Theo ông Hà Quang Hưng, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40% và thêm vào đó là dịch COVID-19 khiến nhu cầu tín dụng giảm nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được sự tăng trưởng. Trong năm qua, ngoài các nguồn vốn như: vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI thì tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản.
Ông Hưng cũng cho biết, ngoài việc tiếp tục thực hiện các khoản vay cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng cũng bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà như: tại VPBank (từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên); BIDV (từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên); Vietcombank (từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu). Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu).
Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản đánh giá, so với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn và thời điểm hiện nay đang có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây. Nhưng tỷ trọng dư nợ bất động sản đối với toàn ngành lại có sự gia tăng, nếu như năm 2019 chiếm 6,37% thì hết thời điểm này tăng lên 7,2%.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, gần đây, mức dự nợ tín dụng bất động sản có tăng nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn, lực cầu của thị trường bất động sản tăng mạnh do sự chuyển dịch đầu tư từ các ngành kinh tế khác sang, làm tăng mạnh hơn khoảng 30% lực cầu đầu tư thị trường. Trong khi đó, nhu cầu trên thị trường vẫn còn rất lớn, nên ít nhất là trong ngắn hạn từ 1 - 2 năm, thị trường sẽ khó có thể xảy ra "bong bóng".