Doanh nghiệp thiếu vốn
Nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm của người dân và doanh nghiệp đều tăng cao, nhất là dịp tết Nguyên đán đã cận kề. Thế nhưng, cả người dân lẫn doanh nghiệp đều cho biết họ đang khát vốn trầm trọng.
Ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu - vốn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhiều năm qua và sẽ còn tiếp tục trong dài hạn - cũng đã gửi đơn cầu cứu. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan báo cáo các khó khăn, vướng mắc tác động tới năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản cuối năm 2022 và năm 2023.
Theo VASEP, ngay khi bước vào quý 4/2022, các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn và kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ quý cuối năm 2022 và năm 2023.
VASEP nêu rõ: Từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các ngân hàng tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với doanh nghệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều công ty mới chỉ giải ngân được 60 - 80%. Nhiều công ty lớn không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu. Thậm chí có công ty đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Theo báo cáo Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cơ hội thị trường và đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Thêm vào đó, chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Do sức ép đến từ các yếu tố, giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao và tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Mặt khác, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước.
Hơn nữa, lãi suất tăng cao làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam “leo thang” cộng thêm và rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh tình trạng khó khăn về dòng tiền (bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn) đang “bủa vây” doanh nghiệp.
Thêm vào đó, hiện nay, do việc hạn chế về “room” tín dụng nên một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân các khoản vay mới. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là đối với khoản vay ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm đang rất “nóng”.
Ưu tiên doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ nhưng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Về những giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng cần phải khơi thông nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, ông Hùng đề xuất Chính phủ cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, trong đó tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.
Từ thực tế trên, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định 96/2019 của Chính phủ; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Bên cạnh đó, Ban IV cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hành Nhà nước tham vấn các chuyên gia tài chính, chính sách uy tín trong nước, quốc tế để đánh giá bối cảnh và nhận diện giải pháp. Trường hợp cần thiết, đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế.