Năng suất xanh là một trong những công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp. Công cụ này nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ vừa đảm bảo chất lượng, vừa hài hòa với môi trường.
Năng suất xanh bao gồm việc áp dụng các công cụ, kỹ thuật, công nghệ quản lý năng suất và môi trường thích hợp nhằm giảm tác động đến môi trường của các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, giúp nâng cao lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Theo đánh giá, đây là chiến lược năng động nhằm kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Kể từ năm 1998, Trung tâm Năng suất Việt Nam (nay là Viện Năng suất Việt Nam) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện Chương trình điểm về năng suất xanh thông qua các dự án do Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tài trợ.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, việc áp dụng năng suất xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi loại bỏ các lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành, tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, xây dựng doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng.
Trong đó, nổi bật nhất là việc triển khai các mô hình về năng suất xanh tại cộng đồng ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước (chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ) giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về khái niệm, cách tiếp cận và biết cách dùng các công cụ phân tích đánh giá vấn đề, đưa ra lựa chọn ưu tiên...
Đây là cách làm sáng tạo của Việt Nam trong việc triển khai với các nhóm giải pháp, công cụ vốn dĩ mọi người nghĩ rằng chỉ triển khai được trong khu vực doanh nghiệp sản xuất, nhưng lần đầu tiên được triển khai và áp dụng thành công tại cộng đồng với kết quả được APO và các thành viên đánh giá cao.
Để tiếp cận năng suất xanh, doanh nghiệp phải sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản: “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Theo ông Lâm, trên thế giới, có nhiều nước đã áp dụng thành công mô hình này. Đơn cử như tại Iran, Công ty nước và nước thải quốc gia NWWEC vận hành 34 đơn vị về xử lý nước và nước thải, công ty này tiến hành mua nước và nước thải sau khi xử lý. Nhiệm vụ là sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân và thu hồi nước thải đô thị, nông thôn. Giải pháp là đề xuất luật bảo vệ môi trường với sự hỗ trợ của Chính phủ. Nhờ đó, công ty đã ký 40 hợp đồng giá trị khoảng 1,7 tỷ EURO để mua lại nước thải từ năm 2011, cải thiện chất lượng môi trường, chất lượng nước, bảo vệ nguồn nước và đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Tại Việt Nam, Heineken Việt Nam là nhà sản xuất đồ uống lớn và nhờ áp dụng mô hình CE, tái cấu trúc nhà máy, tái sử dụng và tái chế các nguyên liệu, tăng vòng đời vật liệu giảm chi phí, Heineken Việt Nam tối ưu hóa lượng chất thải từ nhà máy, 99,01% chất thải được tái chế và không có chất thải phải chôn lấp.
Thông qua Chương trình điểm về năng suất xanh, chất lượng cuộc sống và điều kiện môi trường của người dân đã được cải thiện rõ rệt từ việc thực hiện một loạt các giải pháp năng suất xanh như áp dụng kỹ thuật biogas, xây dựng trạm cấp nước tập trung để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học…
Chương trình năng suất xanh cũng khẳng định được thế mạnh của mình từ việc tập trung chủ yếu các hành động bảo vệ môi trường tới nhiều giải pháp phát triển cộng đồng như trồng nấm rơm, nuôi giun, áp dụng mô hình bếp tiết kiệm năng lượng, phát triển nghề làm bún...