Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện Chính sách và Phát triển, nhằm thông qua thảo luận, trao đổi, kiến nghị của các chuyên gia, góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về phát triển bền vững, đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam.
Tại hội thảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày, thảo luận về những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu đã đã được xây dựng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc APD cho biết, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Theo TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển bền vững nhằm thúc đẩy và đưa việc thực hiện các mục tiêu SDGs là một công việc thường xuyên và định kỳ báo cáo.
Theo đánh giá của SDG Index1, nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Việt Nam đã tụt xuống và đứng ở vị trí 55 vào năm 2022. Nguyên nhân chính của việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính.
TS. Lê Việt Anh cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đề xuất 8 giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, hoàn thiện thể chế, thực hiện quá trình phục hồi xanh, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực…
Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) được nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính sách và Phát triển xây dựng nhằm đánh giá mức độ phát triển các địa phương trên nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh việc đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển bền vững của các địa phương, chỉ số PSDI còn phần nào phản ánh khoảng cách trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương đó.
PSDI 2021 bao gồm 14 chỉ số thành phần phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Kết quả trung bình của 63 tỉnh thành trên cả nước năm 2021 đạt 51,38 điểm cho thấy các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Năm 2021, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước với 65,28 điểm. Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mục tiêu bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh; tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm.
Xếp thứ hai là thành phố Hải Phòng, với 64,09 điểm. Hải Phòng thể hiện sự vượt trội về các chỉ tiêu kinh tế với thành phần: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (xếp thứ nhất trong 63 tỉnh thành thành) và Công nghiệp, đổi mới sáng tạo (xếp thứ 2/63 tỉnh thành).
PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc APD cho biết, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra, như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia; Trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…