Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”

(CL&CS) - Đó là chủ đề Hội thảo do Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 28-5, với sự tham gia của gần 60 đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo.

Nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Chè Thái Nguyên” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận năm 2006, Hội Nông dân tỉnh được giao là chủ sở hữu. Đây là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh được bảo hộ NHTT. Hiện nay, toàn tỉnh có 113 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên”.

NHTT này cũng chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản). Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên là sự khẳng định về uy tín, chất lượng và giá trị sản phẩm chè; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa chè Thái Nguyên vươn ra thế giới.

Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về thực trạng, giải pháp trong công tác quản lý và sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên”, trong đó nhấn mạnh các hoạt động như tăng cường giám sát, quản lý và xử lý vi phạm khi sử dụng NHTT... Các đại biểu cũng đóng góp vào dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên” do Hội Nông dân tỉnh soạn thảo.

Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước với trên 22.000ha, sản lượng qua chế biến đạt 52.000 tấn/năm, năm 2023, doanh thu ngành chè đạt gần 13 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh có 91 nghìn hộ sản xuất chè, với 235 làng nghề, 914 đơn vị sản xuất, kinh doanh chè bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...

TIN LIÊN QUAN