Nâng cao chất lượng trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

(CL&CS) - Ứng dụng Thiết kế phổ quát cho việc học (UDL) góp phần thúc đẩy hơn nữa giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em khuyết tật nói riêng và trẻ em nói chung.

Vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Đại học Wakayama (Nhật Bản), tổ chức UNICEF Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Đảm bảo công bằng và chất lượng trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật dựa trên ứng dụng UDL”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Thanh Tùng)

Qua hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu, chia sẻ, và bàn thảo về các thông tin từ thực tiễn về các biện pháp, định hướng nhằm đảm bảo sự công bằng, chất lượng trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, dựa trên ứng dụng UDL. Từ đó, có cơ sở đề xuất cách thiết kế quy trình ứng dụng UDL trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập cho các em, ở mọi cấp học và môi trường học tập, hướng tới đảm bảo một nền giáo dục bền vững cho các trẻ em khuyết tật trên thế giới và ở Việt Nam.

Đông đảo các đại biểu tham dự chương trình

Việc tổ chức hội thảo cũng góp phần thực hiện mục tiêu bao trùm của ngành giáo dục, trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 là “Xây dựng một nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền (Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, trong những năm qua, giáo dục hòa nhập tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức.

"Hội thảo với trọng tâm là ứng dụng Thiết kế phổ quát cho việc học (UDL) là một bước đi quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em khuyết tật nói riêng và trẻ em nói chung.

UDL là một khung hướng dẫn cách thiết kế bài học, không phải là một khái niệm mới hoàn toàn mà là sự tổng hợp các nguyên tắc sư phạm hiệu quả để đảm bảo việc học tập cho tất cả học sinh, kể cả học sinh khuyết tật. Điểm cốt lõi của UDL là tập trung vào việc xóa bỏ rào cản học tập, tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, nơi mỗi học sinh đều có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Trên thế giới, việc áp dụng UDL đã chứng minh hiệu quả trong hỗ trợ trẻ khuyết tật tham gia học tập hòa nhập, giúp các em cảm nhận được giá trị của bản thân trong cộng đồng học đường. Điều quan trọng hơn nữa, UDL còn mang đến những công cụ và phương pháp giúp giáo viên thực hiện dạy học một cách thuận lợi, khoa học và sáng tạo hơn.

Do vậy, việc tổ chức một Hội thảo khoa học mà ở đó có sự trao đổi, chia sẻ học thuật về ứng dụng UDL sao cho thực sự hiệu quả giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước như ngày hôm nay, là một việc làm có ý nghĩa, mang lại giá trị thực tiễn và nhân văn", thầy Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

Ông Nguyễn Nhật Linh (Chuyên gia giáo dục, UNICEF Việt Nam) cho hay, mặc dù tại Việt Nam ngành Giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc thúc đấy hệ thống giáo dục và môi trường học tập hòa nhập, chúng ta vẫn còn gặp phải rất nhiều thách thức.

Ví dụ như ở cấp trung học phổ thông, tỷ lệ đi học đúng tuổi có sự chênh lệch lớn giữa nhóm trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật. Theo kết quả điều tra Người khuyết tật năm 2023 do Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp trung học phổ thông ở trẻ em khuyết tật là 30,8% so với 76,6% đối với trẻ em không khuyết tật.

Trong nhiều năm qua, UNICEF Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy giáo dục hòa nhập nhằm đảm bảo quyền được giáo dục cho tất cả trẻ em. Một số thành tựu đáng kể bao gồm: việc ban hành Thông tư 20/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó thúc đẩy vai trò của các Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập, cũng như các sáng kiến đổi mới sáng tạo như ứng dụng âm nhạc và công nghệ thực tế ảo tăng cường trong trị liệu cho trẻ khuyết tật.

TIN LIÊN QUAN