Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ

(CL&CS) - Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KH-CN) để thực hiện có hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Phú Yên thông tin, để phát triển nguồn nhân lực KH-CN, hằng năm, tỉnh Phú Yên cần bố trí một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh, huy động các nguồn lực trong các doanh nghiệp và xã hội để thực hiện thu hút nguồn nhân lực KH-CN; đồng thời đào tạo trình độ chuyên môn trong và ngoài nước, tạo ra công nghệ đột phá cho địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, tham dự các giải thưởng trong nước và quốc tế. 

Hình minh họa

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, nguồn nhân lực KH-CN tỉnh Phú Yên đã có sự phát triển khá nhanh; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ KH-CN của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Phú Yên đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức cấp bách trong phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực KH-CN nói riêng. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực KH-CN đóng vai trò hạt nhân đối với quá trình đổi mới, sáng tạo, phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Phú Yên, nguồn nhân lực KH-CN của tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tạo bước đột phá cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, phát triển y tế, GD-ĐT, du lịch, kiến trúc công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển chính quyền điện tử…

Theo thống kê của Sở KH&CN, đến nay, toàn tỉnh có 4.528 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có trình độ cao đẳng trở lên; 722 thạc sĩ, 72 tiến sĩ… Tuy nhiên, nguồn nhân lực KH-CN Phú Yên hiện chưa hợp lý về cơ cấu, ngành nghề, chất lượng nguồn nhân lực ở cơ sở chưa cao. Việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về công tác, làm việc tại địa phương còn hạn chế.

Hiện tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực nghiên cứu sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, nhân văn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ du lịch…

Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã và đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực KH-CN như: Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đảm bảo phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực từng ngành, từng lĩnh vực. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo nền tảng cho phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Định hướng các ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu cho các cơ sở đào tạo, chú trọng những ngành nghề để phát triển công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch…