Nâng cao chất lượng hàng hoá nông nghiệp đưa vào chuỗi giá trị toàn cầu

(CL&CS) - Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng bền vững

Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản; trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để kết nối các hộ nông dân nhỏ, hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu.

Các mặt hàng đã được thương mại hoá có nông, lâm, thuỷ sản của ngành nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 190 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có những thời điểm, chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã bị gián đoạn do giãn cách.

Tuy nhiên, toàn ngành vẫn vượt khó, đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, thặng dư thương mại lên đến 6,44 tỷ USD. Đó là sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp,

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới...

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm.

Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỉ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Đặc biệt, phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Nông nghiệp Việt Nam hướng ra thị trường quốc tế

Để đạt được các mục tiêu trên, cần có sự chung tay vun đắp của bà con kiều bào trên toàn thế giới. Kiều bào dù ở đâu trên toàn thế giới cũng luôn hướng về quê hương và đã có đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng và đổi mới đất nước. Kiều bào luôn là cầu nối quan trọng để đưa thông tin, tri thức, công nghệ, vồn đầu tư cho phát triển đất nước. Người Việt Nam trên toàn cầu cũng là người truyền tải giá trị văn hóa Việt, các sản phẩm của Việt Nam cho thị trường thế giới.

Kiều bào đã đóng góp nhiều cho nền nông nghiệp nước nhà, đã đưa về tri thức và kinh nghiệm giúp ngành nông nghiệp chuyển mình với nhiều công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt. Tất cả đã được thể hiện trong bản chiến lược này, từ quy chuẩn, chất lượng nông sản, chuẩn hoá nông sản, phát triển từng loại thị trường…

Các sản nông nghiệp Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như: Incentra ở Moscow (Nga), Đồng Xuân ở Berlin (Đức), Sapa ở Czech, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Australia đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương.

Thông qua diễn đàn lần này là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, xanh, bền vững, thành trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

TIN LIÊN QUAN