Mới đây, tọa đàm "Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025" được diễn ra tại Hà Nội.
Quang cảnh tọa đàm
Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những phân tích sâu về bối cảnh kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam đồng thời thảo luận các giải pháp đột phá giúp Việt Nam "vươn mình" trong kỷ nguyên mới. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra những dự báo về kinh tế thế giới năm 2025 và nhấn mạnh đến những rủi ro tiềm ẩn.
“Căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều khu vực, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt là những yếu tố bất ổn hàng đầu, có thể làm gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu," ông Việt nhận định.
Lãnh đạo của VEPR cũng đặc biệt lưu ý đến tác động của chính sách bảo hộ thương mại mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tiếp tục theo đuổi. Điều này dự báo sẽ dẫn đến sự phân mảnh sâu sắc hơn của kinh tế toàn cầu và suy yếu năng suất lao động. Đồng thời, việc các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị, áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau cũng gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến thương mại quốc tế.
Giữa bức tranh toàn cầu đầy biến động, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Ông Nguyễn Quốc Việt viện dẫn các dự báo từ các tổ chức quốc tế uy tín (Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á) cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của Việt Nam. Dựa trên những phân tích này, ông nhận định về mức tăng trưởng GDP 6,5% là khả thi nhờ dựa trên một số động lực tăng trưởng thuận lợi. Cụ thể là đầu tư công được đẩy mạnh, đầu tư tư nhân phục hồi mạnh mẽ và hoạt động xuất-nhập khẩu sôi động là những trụ cột chính cho tăng trưởng.
Mặc dù có nhiều triển vọng tích cực, song kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến chậm lại trong giai đoạn 2024-2025 so với giai đoạn trước dịch, trong khi lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro nợ công và nợ tư nhân.
Bên cạnh đó, ông Lực cũng lưu ý đến các yếu tố bất ổn khác như biến động giá dầu, hàng hóa thế giới, biến động tỷ giá, xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và công nghệ... “Những yếu tố này có thể tác động tiêu cực đến xuất-nhập khẩu, sức mua trong nước và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, những biến đổi khí hậu và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng cũng là những thách thức lớn đối với sự ổn định tài chính vĩ mô của Việt Nam trong dài hạn,” ông nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu lực-hiệu quả quản lý Nhà nước cũng là những yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực khuyến nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là những hướng đi quan trọng.
"Cần đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia,” ông Lực bổ sung.
Với những khuyến nghị chiến lược rõ ràng và giải pháp cụ thể được đưa ra tại Toạ đàm, các chuyên gia đều tin tưởng rằng trong năm 2025, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể chủ động đối phó với những thách thức toàn cầu, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội từ xu hướng phát triển kinh tế và thương mại quốc tế, góp phần xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.