Thông tin vừa được Tổng cục Thuế công bố tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả nước.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ
Cùng với nhiệm vụ thu ngân sách, giãn hoãn thuế và hỗ trợ cho DN, trong năm 2021, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách.
Theo đó, toàn ngành Thuế thực hiện được 66.449 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 105% kế hoạch năm 2021 (66.449 DN/63.290 DN) và bằng 78% so với cùng kỳ năm 2020; thực hiện kiểm tra 943.725 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 115% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt là 45.332 tỷ đồng, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra đạt là 10.328 tỷ đồng; giảm khấu trừ đạt 2.191 tỷ đồng, giảm lỗ là 32.812 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 7.616 tỷ đồng, bằng 74% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Toàn ngành Thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra được 300 DN có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 793 tỷ đồng; giảm lỗ 2.780 tỷ đồng; giảm khấu trừ 10,6 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.560 tỷ đồng.
Trong năm 2021, các đơn vị đã kiểm tra được 943.725 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2020; xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 977 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 436 tỷ đồng; giảm lỗ 1.398 tỷ đồng. Qua kiểm tra rà soát các hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã phát hiện những sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế để điều chỉnh tăng số thuế kê khai hoặc ấn định thuế.
Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thuế tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam; - Qua rà soát cơ quan thuế đã thu được 1.314 tỷ đồng từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook, ...
Số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thộng tin...) tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube... tính đến hết tháng 10/2021 cả nước là 498 tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý nợ thuế, ước đến thời điểm ngày 31/12/2021, toàn ngành Thuế thu hồi được 25.100 tỷ đồng, đạt 83,4% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.705 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 7.395 tỷ đồng.
Năm 2022: Sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Năm 2022 Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành Thuế là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường với nhiều biến chủng mới. “Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, góp phần giúp NNT duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế bằng các hình thức trực tuyến…”-Tổng cục trownrg Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế sẽ tập trung thanh kiểm tra đối với các DN có tăng trưởng, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN có rủi ro cao về thuế. Tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua Cổng TTĐT Tổng cục Thuế. Phối hợp với chính quyền, cơ quan Công an và các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Về công tác quản lý nợ thuế, cơ quan thuế tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạm chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc, đảm bảo xử lý tối đa số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn khả năng NSNN.
“Tổng cục Thuế sẽ thực hiện rà soát tính toán giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2022 cho từng Cục Thuế. Các Cục Thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, cá nhân, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế...”- Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thu nội địa vượt dự toán 177.000 tỷ đồng
Năm 2021, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt từ cuối tháng 4, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính cộng với sự nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kết quả, tổng thu NSNN do ngành Thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.