Nà Tuồng, Na Rì (Bắc Kạn) gắn bảo tồn văn hoá với phát triển du lịch

(CL&CS) - Nà Tuồng, Na Rì với cảnh sắc nên thơ cùng với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Nùng gìn giữ nhiều đời dưới mái nhà sàn cổ kính… khiến ai từng một lần đặt chân đến với Nà Tuồng, xã Xuân Dương (Na Rì, Bắc Kạn ) không lỡ bước đi.

Nà Tuồng có 74 hộ dân thì có tới 65 hộ sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà sàn nơi đây thường khá to, rộng, có nhiều gian, các gian được ngăn bằng vách gỗ. Nhiều ngôi nhà có tuổi đời cả trăm năm, mặc dù đã có cải tiến để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt hiện nay, nhưng vẫn còn bảo lưu những nét kiến trúc truyền thống. Ngoài ra, những đồ dùng, vật dụng từ xưa vẫn còn được lưu giữ và sử dụng như: Quạt hòm, khung cửi, xay đá, cối đá...

Những ngôi nhà sàn cổ mái âm dương tại Nà Tuồng chứa đựng chiều sâu văn hóa, đời sống tâm linh và những truyền thống tốt đẹp của đồng bào Nùng truyền giữ qua năm tháng. Trong đó, đáng kể nhất là nghề dệt vải chàm và hát sli được nhiều thế hệ truyền dạy cho nhau.

Những ngôi nhà sàn cổ mái âm dương tại Nà Tuồng chứa đựng chiều sâu văn hóa, đời sống tâm linh và những truyền thống tốt đẹp của đồng bào Nùng

Nhắc đến Xuân Dương là nhiều người nhớ đến phiên chợ tình độc đáo với thể hát giao duyên - sli làm mê đắm lòng người. Đây là loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian tiêu biểu, đặc sắc của người Nùng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 830/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021. Cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã, đồng bào Nùng ở Nà Tuồng đã và đang tích cực góp sức bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống này.

Được biết, nét độc đáo ở Nà Tuồng từ trẻ em đến người già đều biết và thích ngân nga điệu sli, trong đó có khoảng 20 người thường xuyên hát giao duyên tại chợ tình và sự kiện quan trọng của cộng đồng. Người dân Nà Tuồng trân quý sli như bát cơm, nước uống hằng ngày. Hát sli không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần giữ mãi hồn cốt truyền thống nghệ thuật từ cha ông để lại.

Nà Tuồng hội đủ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc được lưu giữ dưới mái nhà sàn để làm chất liệu phát triển du lịch cộng đồng. Địa điểm này nằm trong không gian văn hóa Chợ tình Xuân Dương và nghệ thuật hát sli của đồng bào Nùng. Nếu được đầu tư bài bản, làm tốt công tác bảo tồn và quảng bá thì Nà Tuồng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Nà Tuồng hội đủ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc được lưu giữ dưới mái nhà sàn để làm chất liệu phát triển du lịch cộng đồng.

Năm 2023, Nà Tuồng cùng với thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) được tỉnh lựa chọn thực hiện dự án Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản, văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đây thực sự là thời cơ thuận lợi để người dân Nà Tuồng và Khâu Đấng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của mình, tạo ra cơ hội phát triển du lịch bền vững.

Nắm bắt được chủ trương của cấp trên, thôn đã đi khảo sát những gia đình đủ khả năng thực hiện dự án và vận động người dân quan tâm bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống. Những gia đình dự kiến được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu có nhà sàn truyền thống, lưu giữ nghề dệt vải và những vật dụng sinh hoạt, lao động tiêu biểu để sẵn sàng tiếp nhận nguồn lực đầu tư hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.

Với những nét văn hóa truyền thống đầy sắc màu đã khiến Nà Tuồng là điểm đến không thể qua. Ngoài nét văn hóa độc đáo đó thì phong cảnh ở Nà tuồng được nhấn điểm bởi vẻ đẹp huyền bí của hang động cách trung tâm thôn khoảng 500m. Trải qua hàng triệu năm phong hóa dưới bàn tay tài mỹ của mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Nà Tuồng hang động có những thạch nhũ với vẻ đẹp mê hoặc. Ý thức được giá trị của hang động này, cấp ngành chuyên môn và người dân địa phương đã có những hành động bảo vệ tính nguyên sơ để phục vụ phát triển du lịch khám phá sau này.

Ngoài nét văn hóa độc đáo đó thì phong cảnh ở Nà tuồng được nhấn điểm bởi vẻ đẹp huyền bí của hang động cách trung tâm thôn khoảng 500m.

Sớm mùa Đông, mặt trời lên cao, làn sương tan dần. Những nếp nhà sàn có tuổi đời “vắt ngang” hai thế kỷ ở Nà Tuồng hiện dần nơi chân núi. Phía dưới, dòng suối trong xanh, hiền hòa ôm trọn bản của đồng bào Nùng chảy róc rách xen tiếng gió rừng hòa âm thành bản giao hưởng nơi non xanh. Không chỉ cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, dòng suối Nà Tuồng bao đời nay tưới mát tâm hồn, nuôi dưỡng những giọng hát sli, lượn mượt mà, sâu lắng, đã làm du khách mê đắm, không lỡ rời đi.

Chị Hà Thị Xuân, khách du lịch đến từ Phú Thọ cho biết: "Chị cùng nhóm bạn đã tìm hiểu rất kỹ Nà Tuồng trước khi đến, nơi đây hoang sơ nên mọi tiện nghi sinh hoạt phải tự xoay sở. Nhưng khi đến đây, điều đầu tiên chúng tôi thích thú là những ngôi nhà sàn rất cổ kính và sạch sẽ, ẩm thực cũng rất phong phú, người dân đáp ứng đủ những gì chúng tôi cần khi tới đây. Đến đây thì không một ai lại không đi khám phá hang động thạch nhũ. Chúng tôi có được những trải nhiệm rất thú vị khi khám phá hang thạch nhũ. Nói chung, chuyến đi này của chúng tôi thật sự không thấy hối tiếc gì cả, ở đây rất thú vị...".

TIN LIÊN QUAN