Theo số liệu từ Sở KH & ĐT, trong khoảng từ năm 2014-2023, vốn FDI vào huyện Bàu Bàng đạt 4,54 tỷ USD, với 249 dự án đầu tư nước ngoài. Con số này cao hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước như: Khánh Hòa (4,395 tỷ USD), Thừa Thiên Huế (4,5 tỷ USD), Bình Phước (4,318 tỷ USD), Nam Định (4,1 tỷ USD), Tiền Giang (2,255 tỷ USD), Cần Thơ (2,27 tỷ USD)…
Kinh tế huyện Bàu Bàng luôn có mức tăng trưởng cao, đạt bình quân 18,84%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4,72 lần, từ 7.479 tỷ đồng năm 2014 lên 35.361 tỷ đồng năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân 23,88%/năm, từ 1.437 tỷ đồng năm 2014 lên 9.878 tỷ đồng năm 2023, tăng 6,87 lần.
Hạ tầng giao thông tại Bàu Bàng được tập trung phát triển mạnh mẽ. Ảnh Internet
Với sức hút vốn đầu tư ngoại "khủng khiếp" như vậy, huyện Bàu Bàng là huyện duy nhất được quy hoạch vào vùng lõi của tỉnh Bình Dương cùng với Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Bến Cát. Vùng lõi này sẽ là vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung.
Dấu ấn nổi bật nhất của huyện Bàu Bàng sau khi tách ra từ huyện Bến Cát là xây dựng và phát huy vai trò của các khu công nghiệp (KCN) tập trung. Hiện nay, huyện Bàu Bàng đã và đang triển khai phát triển KCN Bàu Bàng mở rộng 1.000ha, KCN Tân Bình 352,5ha, KCN Cây Trường, KCN Lai Hưng. Tổng diện tích đất công nghiệp phát triển thêm là 1.687,38ha.
Mặt khác, hệ thống giao thông của huyện được đầu tư, nâng cấp, mở rộng từng bước hoàn thiện theo hướng Đông Tây, Bắc Nam, mang tính kết nối giữa các vùng, khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối nội tỉnh và các tỉnh lân cận.
Hiện tại, Bàu Bàng đang được liên kết mạnh mẽ với đường Vành đai 4, đường cao tốc TP. HCM - Chơn Thành, đường xuyên Á qua Cửa khẩu Mộc Bài, điều kiện vô cùng thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư.
Về vị trí địa lý, Huyện Bàu Bàng nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương cách trung tâm tỉnh lỵ 30km, thành phố Hồ Chí Minh 60km, cách cảng Sông Đồng Nai 40-50km, sân bay Long Thành (Chính phủ đang nghiên cứu đầu tư) 80km, cảng Cái Mép - Thị Vải khoảng 100km. Do đó, có thể thấy, huyện Bàu Bàng còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai khi tỉnh Bình Dương thúc đẩy triển khai đề án.
Tỉnh Bình Dương là một trong những nền kinh tế phát triển sôi động nhất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được ví như "thủ phủ công nghiệp" của miền Nam và cả nước. Địa phương này có vị trí tiếp giáp với TP. HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và sở hữu một mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được đầu tư bài bản.
Theo Niên giám thống kê năm 2022, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, trung bình 8,07 triệu đồng mỗi tháng, gần gấp đôi bình quân cả nước. Tỉnh này cũng có tỷ lệ tăng dân số là 6,41%, nhiều nhất cả nước. Bình Dương là tỉnh có dân số tăng nhiều nhất giai đoạn 2017-2021.