Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức và nhận được hơn 70 bài tham luận; trong đó có nội dung về dạy học lịch sử ở trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo
Ban tổ chức đã tuyển chọn được 46 báo cáo tiêu biểu để đăng kỷ yếu. Nội dung báo cáo đa dạng, phong phú, với 3 chủ đề: từ vị thế môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến sách giáo khoa môn Lịch sử ở cấp THPT; đổi mới việc đào tạo giáo viên lịch sử đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới; đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá lịch sử nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ghi nhận, đối với cấp tiểu học và THCS, chương trình môn Lịch sử đã lồng ghép giữa lịch sử thế giới với lịch sử khu vực, dân tộc, không còn tách biệt như chương trình giáo dục phổ thông 2006. Nội dung chương trình khá toàn diện.
GS.TS Nguyễn Thanh Bình khẳng định, hướng đi của chương trình là đúng, đổi mới, khắc phục được những hạn chế của chương trình đồng tâm trước đó, tránh sự nhàm chán của học sinh.
Sau khi chỉ ra một số hạn chế của chương trình nội dung môn Lịch sử ở cấp THCS, THPT; GS.TS Nguyễn Thanh Bình kiến nghị, nên sớm tổng kết thực tiễn, khẳng định mặt tốt của chương trình; đồng thời chỉ ra những hạn chế về tổ chức dạy - học, kiểm tra, đánh giá và sự đáp ứng của giáo viên... Trên cơ sở đó, tham mưu kiến nghị cho Bộ GD&ĐT.
Đề cập đến những vấn đề đặt ra sắp tới, GS.TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần sớm phát triển (chỉnh sửa) chương trình cho phù hợp; đồng thời tăng cường tập huấn giáo viên ở các cấp học về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và kĩ thuật dạy học lịch sử, về kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, cần sớm viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên.