Năm 2005, sông Mân ở Tứ Xuyên, Trung Quốc tràn bờ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân địa phương. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng vấn đề này. Vì vậy sau khi cử cán bộ điều tra và thẩm định tình hình, chính quyền địa phương cuối cùng đã quyết định tiến hành nạo vét và bảo dưỡng con sông này.
Trong quá trình thi công, đội công nhân tại đây bất ngờ đào được nhiều di vật văn hóa quý giá dưới lòng sông. Nhận thấy nơi này còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn xưa, năm 2010, chính phủ Trung Quốc tiếp tục đưa sông Mân vào danh sách “đơn vị” bảo vệ di tích văn hóa.
Tin tức này nhanh chóng lan truyền đến các ngôi làng lân cận. Một số người dân ở đây vì hám lợi và thiếu hiểu biết nên đã lên kế hoạch đến con sông này để tìm báu vật và đổi lấy tiền. Anh Tống, một người dân sống ở ven sông Mân là một trong số đó.
Một đêm năm 2013, người đàn ông này bí mật đến sông Mân để thử vận may. Sau khi xác định được phạm vi nghi có kho báu, anh Tống nhảy xuống sông và bắt đầu mò mẫm dưới sông. Vốn sinh ra ở miền sông nước, việc bơi lội với người đàn ông này không có gì khó khăn. Thay vào đó, cái khó nhất chính là xác định được thứ tìm được có phải bảo vật hay không, bởi anh Tống gần như không có chút kiến thức nào về cổ vật.
Sau một hồi lâu lặn dưới đáy sông nhưng không tìm thấy gì, người đàn ông này thất vọng và chuẩn bị về nhà thì đột nhiên chân của anh chạm vào một vật cứng. Dưới đáy sông, vật này phát ra một thức ánh sáng lấp lánh khác lạ. Anh Tống mừng thầm, nghĩ đó chính là báu vật nên đã nhanh chóng vớt nó mang về.
Về tới, anh Tống nóng lòng bật đèn lên kiểm tra thì phát hiện đó là một con hổ vàng. Chiến tích này khiến anh vô cùng phấn khởi và tự tin. Vài ngày sau, anh lại tìm đến sông Mân khi trời tối và tiếp tục thử vận may của mình. Lần này, anh Tống lại tìm được một khối vàng khác. Sau khi làm sạch, anh phát hiện mặt sau của nó có khắc dòng chữ Trung Quốc có nghĩa là "Dấu của tướng quân Vĩnh Xương”. Không những thế, trên khối vàng còn có 4 lỗ nhỏ, khớp với phần kế của con hổ vàng mà anh đã tìm thấy trước đó.
Sau khi ráp 2 vật lại với nhau, chiếc ấn vàng cuối cùng cũng hiện ra một cách đầy đủ. Nghĩ khối vàng này có thể đổi được rất nhiều tiền, anh Tống vội vàng tìm người mua nó. Sau nhiều lần so sánh giá và mặc cả, cuối cùng anh ta cũng đã bán được món đồ này với giá 13 triệu NDT ( hơn 44 tỷ đồng) cho một dân buôn đồ cổ. Cũng từ đó, cuộc sống của gia đình người đàn ông này bước sang một trang mới. Anh ta liên tục xây nhà, mua ô tô khiến dân làng vô cùng bất ngờ và ghen tỵ. Tuy nhiên, hưởng cuộc sống trong nhung lụa chưa được bao lâu thì vận đen cũng ập tới người đàn ông này.
Một ngày năm 2016, cảnh sát Trung Quốc bất ngờ đến nhà và bắt giữ người đàn ông họ Tống. Mãi đến lúc này, dân làng mới biết anh ta đã phạm tội bán di vật văn hóa quốc gia và phải đối diện với hình phạt thích đáng.
Hóa ra sau khi anh Tống bán ấn vàng không lâu, chính quyền Tứ Xuyên đã thành lập một bộ phận chuyên trách để thu hồi di vật văn hóa tại các địa bàn gần sông Mân. Trong quá trình thu hồi này, cảnh sát đã thu giữ rất nhiều báu vật và lần theo manh mối của những tay buôn cổ rồi truy ra những người đã bán di vật cho chúng.
Sau khi cảnh sát bắt giữ người đàn ông này, các chuyên gia khảo cổ cũng được mời đến để xác định lai lịch của con dấu hổ vàng. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, các chuyên gia cũng đưa ra kết luận rằng con hổ vàng chính là con dấu của Trương Hiến Trung, người được gọi là “tướng quân Vĩnh Xương” như dòng chữ khắc trên con dấu. Theo các ghi chép lịch sử, Trương Hiến Trung chính là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối đời nhà Minh, từng kiến lập chính quyền Đại Tây; đồng thời với Lý Tự Thành, người kiến lập chính quyền Đại Thuận.
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, mọi di tích văn hóa còn sót lại trong lòng đất, nội thủy và lãnh hải ở nước này đều thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Vì vậy, khi người dân vô tình phát hiện ra chúng, thay vì giữ làm của riêng, phải báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc và bảo tồn những món đồ đó.
Có thể thấy, hành vi buôn bán con dấu hổ vàng của người đàn ông họ Tống là hành vi sai trái nên phải chịu sự trừng phạt của pháp luật Trung Quốc. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dân trong vùng. Bởi chỉ khi họ nhận thức được tầm quan trọng của những di vật văn hóa, họ mới có những hành động thiết thực nhất để việc bảo tồn và gìn giữ chúng, góp phần làm giàu đẹp thêm văn hóa đất nước.
*Theo Sohu