Miền Tây phải được quy hoạch kinh tế thủy sản để phát triển kinh tế chung

(CL&CS) - Miền Tây phải được quy hoạch theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, người dân phải làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Ông Lê Văn Quang

Đó là phát biểu của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ trực tuyến đại diện giới doanh nhân Việt Nam trước ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Là một người gắn bó hàng chục năm với con người, khí hậu, sông ngòi của mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Văn Quang chia sẻ nơi đây là khu vực với đa dạng hệ sinh thái đan xen mặn ngọt, với những rừng đước xanh mướt mà dưới tán rừng đước là những con tôm sú hữu cơ, những con cua biển ngọt thơm ăn một lần rồi nhớ mãi.

Và ở đó còn có những khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao với những chú tôm nhảy vũ điệu thịnh vượng đạt chứng nhận quốc tế. Những cánh đồng lúa trồng xen nuôi tôm, với hạt gạo ngon nhất thế giới và tôm sú hữu cơ luộc đỏ au, ngọt lịm.

Đồng bằng sông Cửu Long có vựa lúa, vựa tôm với dư địa phát triển triển còn rất lớn, có thể tăng giá trị gấp 20 lần hiện tại với khả năng cạnh tranh cao, phát triển thuận thiên bền vững chỉ khi được quy hoạch đúng và tốt.

Từ những ý kiến ở trên, ông Lê Văn Quang thấy rằng đồng bằng sông Cửu Long phải được quy hoạch theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, người dân phải làm giàu trên chính mảnh đất của mình và giải quyết công ăn việc làm với thu nhập tốt cho cả triệu người quê đồng bằng sông Cửu Long vừa từ TP.HCM, Bình Dương và Long An về quê tự phát trong những ngày gần đây. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải được quy hoạch kinh tế thủy sản và tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh cũng như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả vùng.

Theo đó, ông Lê Văn Quang đề xuất xây dựng 6 tiểu khu quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long để phát triển ngành thủy sản

Quy hoạch những khu đô thị biển có cảng biển, khu dân cư gắn liền bến neo đậu tàu thuyền với khu công nghiệp chế biến cá và sản phẩm của biển. Đó là điều kiện đảm bảo các chủ tàu và con cái của họ gắn bó với nghề khai thác biển và làm giàu từ biển.

Quy hoạch trồng, phát triển rừng đước nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng, tạo ra một dải rừng đước rộng 1-2km chạy dài từ Hà Tiên lên tới Vũng Tàu.

Quy hoạch các vùng nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao đủ lớn, áp dụng công nghệ IoT và AI để tạo năng suất và hiệu quả cao.

Quy hoạch những vùng nuôi tôm quảng canh đủ lớn để tạo ra vành đai an toàn sinh học bảo vệ tôm không bị nhiễm bệnh, đạt tỷ lệ sống cao và lợi nhuận tốt.

Quy hoạch những khu chế biến tôm và công nghiệp phụ trợ tập trung gắn với khu đô thị nằm ở trung tâm (để cung cấp công nhân cho các nhà máy) và cách vùng nguyên liệu không quá 5 giờ chạy ô tô (để giảm chi phí muối ướp, vận chuyển và đặc biệt là giữ được chất lượng tôm tươi tốt).

Quy hoạch vùng tôm - lúa đủ lớn nhằm tạo ra vành đai an toàn sinh học để mầm bệnh tôm không xâm nhập được vào ao tôm. Ở đây có khu dân cư tập trung được ngăn cách với khu tôm - lúa có các hồ chứa nước ngọt đủ lớn để cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng cây ăn trái.

Quan trọng hơn 6 tiểu khu quy hoạch trên được quy hoạch cho từng tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, cần được kết nối giao thông nội vùng và liên vùng để phát huy được lợi thế, tính đặc trưng, riêng biệt của từng tỉnh. Như vậy, các khu quy hoạch có thể liên kết hợp tác, cộng hưởng để phối hợp và tăng sức mạnh chung.

Sự bùng phát của Covid-19 đã làm giảm 30 - 50% đơn hàng xuất khẩu. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty trở lại sản xuất, thì xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt 8,5 - 8,6 tỷ USD.

TIN LIÊN QUAN