Lưu ý doanh nghiệp khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

(CL&CS) - Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đã được các DN xác định là con đường bắt buộc phải đi nếu muốn phát triển lâu dài. Nhưng có nhiều vấn đề DN cần lưu ý ngay từ khi bắt tay vào chuyển đổi nếu muốn đạt được hiệu quả.

Ngóng chính sách hỗ trợ

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), Việt Nam đang trên lộ trình chuyển đổi sang phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sau một thời gian dài phát triển “kinh tế nâu và tuyến tính”, tức dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ. Chính phủ đã và đang nỗ lực thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, nhằm “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”, với hàng loạt chiến lược, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn... Theo đó, các địa phương và DN rất phấn khởi, nhưng cũng chờ đợi chính sách hỗ trợ cụ thể hơn để vận hành các mô hình kinh doanh mới nhằm biến cơ hội, tiềm năng thành hiện thực.

TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, sự phát triển đồng thời cả kinh tế số, kinh tế xanh là trụ cột chính trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bởi lẽ, với những tác động tương hỗ, các công nghệ số hóa góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, thân thiện với môi trường. Để DN tự tin chuyển đổi, Nhà nước sớm có khung khổ pháp lý vững chắc làm động lực thúc đẩy DN chuyển đổi.

Nói rõ hơn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cần có chính sách khuyến khích DN chuyển đổi xanh theo hướng nếu DN giảm phát thải hoặc chuyển đổi sang các sản phẩm xanh thì sẽ được hỗ trợ về thuế. “Các công cụ tài chính phải luôn đi kèm với yêu cầu DN chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Bởi việc chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư cho khoa học công nghệ rất tốn kém. Nên bên cạnh việc kêu gọi DN thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, cần phải có những hỗ trợ về nguồn nhân lực, công nghệ, thông tin, sản phẩm, thị trường…”, ông Tuấn cho biết.

Liên quan đến việc hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, từ năm 2006, Báo Sài Gòn giải phóng đã phát động giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Năm 2023, giải thưởng này đã được UBND TPHCM nâng cấp lên thành giải thưởng cấp thành phố với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho các DN đạt giải. Cụ thể, DN sẽ được hỗ trợ phát triển thương hiệu, quảng bá rộng rãi tới cộng đồng; đồng thời được tham gia vào hệ sinh thái kích cầu tiêu dùng xanh trực tiếp dành cho các sản phẩm của DN. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề vốn, UBND TPHCM đã giao Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN với mức hỗ trợ lên đến 50-100% lãi suất.

DN cần lưu ý gì?

Đứng trước xu thế chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ, việc phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào là trăn trở của hầu hết các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Giải đáp băn khoăn này của các DN, ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc khối Digital Lighthouse, KPMG Việt Nam cho rằng, mỗi DN nên có một chương trình chuyển đổi số mang bản sắc riêng của mình. Bởi lẽ chuyển đổi số không phải là một câu chuyện riêng biệt mà phải hỗ trợ được cho chiến lược kinh doanh, tầm nhìn cũng như triết lý kinh doanh của DN. Do đó, đầu tiên DN cần rà soát lại các yếu tố giá trị, văn hóa, tầm nhìn của DN.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng, dù có hạn chế nhất định về nguồn lực, song các DN vừa và nhỏ lại có sự linh hoạt, khả năng thích nghi nhanh chóng nên khi chuyển đổi số sẽ có cơ hội tạo ra giá trị nhanh nhất. Theo đó, DN nên xây dựng một lộ trình, ưu tiên những vấn đề có thể mang lại giá trị ngay lập tức để tạo ra dòng vốn tái đầu tư cho DN. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng cũng đưa ra gợi ý về xu hướng dịch chuyển từ giải pháp đầu tư tài sản sang giải pháp thuê. Cụ thể, hoạt động chuyển đổi số sẽ được tiếp cận dưới dạng dịch vụ và trả tiền thuê theo tháng, theo quý thay vì phải đầu tư một số tiền rất lớn vào tài sản. Điều này sẽ rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ có nguồn lực hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng cũng cho biết thêm, chuyển đổi số là một nhân tố quan trọng trong chuyển đổi xanh. Bởi khi chuyển đổi số, mỗi hoạt động của DN đều để lại “dấu chân điện tử” (digital footprint). Điều này sẽ giúp DN nhận diện rõ mức độ “xanh” của từng khâu để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Từ góc độ pháp lý, luật sư (LS) Nguyễn Trung Nam, Luật sư Thành viên cao cấp Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC lưu ý các DN rằng, trong tương lai sẽ có thêm nhiều quy định mới theo hướng thắt chặt về vấn đề môi trường. Cũng theo LS Nguyễn Trung Nam, trong bối cảnh hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chưa hoàn thiện, các DN cần đặc biệt lưu ý tới việc theo dõi, cập nhật các quy định pháp luật một cách cẩn trọng và thường xuyên. Trên thực tế, kể từ khi Việt Nam đưa ra cam kết trung hòa phát thải tại COP26 vào năm 2021 đến nay, mỗi năm đều có hàng chục quy định, thông tin mới liên quan đến các chương trình hướng dẫn và cả quy định pháp luật mang tính chất bắt buộc. “Các quy định được ban hành rất nhiều và rất nhanh, nên DN cần có bộ phận pháp chế để kịp thời nắm bắt và triển khai thực thi” – LS Nguyễn Trung Nam khuyến nghị.

“DN cần làm rõ xem mình muốn đi đâu trong vòng 3-5 năm tới, tầm nhìn trong 10 năm tới của mình là gì và công nghệ số sẽ đóng góp gì cho DN để thực hiện những mục tiêu đó. Từ đó mới đặt ra những bài toàn cụ thể cho chuyển đổi số, phù hợp với đặc thù của ngành nghề, mỗi DN” - ông Nguyễn Ngọc Hoàng Giám đốc khối Digital Lighthouse, KPMG Việt Nam khuyến nghị.

TIN LIÊN QUAN