Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm 36% về mức 2,6 tỷ USD. Tính riêng tháng 4, con số này đạt 810 triệu USD, giảm 28%.
Tính theo cơ cấu xuất khẩu, hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra lần lượt đạt 892 triệu USD và 598 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, giảm lần lượt 44% và 46% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm khác như cá ngừ, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ… đều giảm ở mức hai con số.
Các số liệu này phần nào phản ánh cho nhu cầu đang chững lại tại các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU hay Trung Quốc.
Ngay từ đầu năm, ngành thủy sản đã được dự báo về tình thế khó khăn phải đối mặt khi lực cầu của nhiều thị trường xuất khẩu chính chững lại trong bối cảnh lãi suất neo cao, lạm phát vẫn còn kéo dài.
Đúng như dự báo, hết quý 1/2023, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản đã lùi sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tiên phải kế đến “nữ hoàng cá tra” CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), trong quý 1/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.221 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 218,98 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,8% về còn 17,3%.
Hay CTCP Đầu tư và Phát triển Quốc Gia (HoSE: IDI), lợi nhuận sau thuế quý 1 chỉ đạt 17,5 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty CP Nam Việt (Navico; HoSE: ANV) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 1.155 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Giá vốn bán hàng tăng 11% lên 952 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 43,3% xuống 203,3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 19,8% xuống hơn 9 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 51% lên 36,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 43,7% xuống 54,7 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 34,5% lên 18,4 tỷ đồng. Kết quả, quý 1/2023 Navico báo lãi 92,4 tỷ đồng, giảm 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Vua tôm" Minh Phú bất ngờ lỗ ròng gần trăm tỷ, tổng kết quý đầu năm nay, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (HoSE: MPC) mang về hơn 2.122 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, chỉ bằng một nửa so với con số thực hiện ở cùng kỳ năm trước. Do giá vốn đội lên, nên biên lãi gộp chỉ còn 5,8%, giảm mạnh từ 11,6% trong quý 1/2022.
Doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp đôi lên 38 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng 69% lên 54 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng giảm hơn một nửa xuống còn 134 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp gần như tương đương cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ bất ngờ lao dốc xuống mức âm 94 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 98 tỷ đồng.
Kết quả, Minh Phú báo lỗ sau thuế 98 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Minh Phú báo lỗ kể từ đầu năm 2017 và cũng là kết quả thấp kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2023, lãi sau thuế của CTCP Camimex Group (HoSE: CMX) đạt 21 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Quý 1/2023, doanh thu bán hàng của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) đạt 1.010 tỷ đồng, giảm 24% so với quý 1/2022; doanh thu thuần đạt 1.008 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu tiêu thụ từ thủy sản đạt hơn 953 tỷ đồng (giảm 26%), hàng nông sản đạt 54,85 tỷ đồng (tăng 58%). Lợi nhuận gộp trong quý của doanh nghiệp đạt 80,49 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ hồi phục chậm do cạnh trạnh với Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra khả quan hơn ở một số thị trường, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng là một cơ hội lớn.
VASEP cũng dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh với các nước khác rất lớn. Còn các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý 3/2023.