Lộ diện thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới: 1m2 đất lên đến gần 1,2 tỷ đồng

Trong hơn 1 thập kỷ, thành phố này có giá nhà đắt nhất thế giới và từng phải đối diện với những cuộc khủng hoảng nhà đất nan giải.

Trong hơn một thập kỷ qua, Hồng Kông (Trung Quốc) đã liên tục được xếp hạng là thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất châu Á và thế giới, theo thống kê của InvestAsian. Giá đất trung bình ở Hồng Kông (Trung Quốc) là 47.257 USD/m2, tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng/m2. Theo Visual Capitalist, với 1 triệu USD, bạn chỉ có thể mua được khoảng 20m2 đất tại đây.

Bất động sản Hồng Kông (Trung Quốc) đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Internet

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá bất động sản ở Hồng Kông cao ngất ngưởng. Một trong số đó là vị trí địa lý đặc biệt, nằm ngoài khơi Trung Quốc, mang lại lợi thế cho thành phố về thương mại và thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư giàu có cũng "đổ tiền" vào thị trường bất động sản Hồng Kông (Trung Quốc) bởi đây được coi là một thị trường an toàn và có tính độc lập cao.

Ngoài vị trí địa lý, Hồng Kông (Trung Quốc) còn có mật độ dân số rất cao. Dân số của thành phố này vào khoảng 7,5 triệu người (năm 2019), trong khi diện tích chỉ là 2.755 km2, và chỉ có 7% diện tích được quy hoạch cho nhà ở. Điều này khiến nhiều người dân phải sống trong những căn hộ siêu nhỏ, diện tích dưới 100ft2 (khoảng 9m2).

Giá bất động sản cao kỷ lục đã đẩy thành phố vào nhiều cuộc khủng hoảng nhà ở. Đến năm 2023, hơn 200.000 người dân phải chờ ít nhất 5 năm để có thể sở hữu một căn nhà trợ cấp. Trong khi đó, các khu dân cư đắt đỏ nhất ở Hồng Kông (Trung Quốc) liên tục ghi nhận những giao dịch trị giá hàng trăm triệu USD, thì ở những khu vực khác, cứ 5 người thì có 1 người sống dưới ngưỡng nghèo. Những người này thường phải ở trong các căn hộ xuống cấp hoặc có diện tích rất nhỏ.

Người thu nhập thấp ở Hồng Kông (Trung Quốc) đang ở những căn hộ cũ, có diện tích nhỏ. Ảnh: Internet

Trước tình trạng khan hiếm nhà ở, người dân đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) gia tăng diện tích đất ở, chẳng hạn như tái sử dụng các khu cách ly rộng lớn từng được xây dựng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang bị bỏ trống. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời cho những người không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà cao ở thành phố.

Chính quyền thành phố cũng cam kết sẽ cung cấp đất đai "ổn định và bền vững" thông qua một chiến lược đa hướng. Cụ thể, họ có kế hoạch phát triển hai khu vực tăng trưởng chiến lược, bao gồm việc cung cấp hơn 3.000ha đất phát triển ở đô thị phía Bắc và khai hoang khoảng 1.000ha ngoài khơi đảo Kau Yi Chau. Những kế hoạch này được kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình bất động sản của thành phố trong tương lai.