Theo báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) vừa công bố, công ty này tiếp tục ghi nhận kết quả thua lỗ trong quý 4/2016 với lợi nhuận sau thuế ghi âm hơn 145 tỷ đồng. Doanh thu trong quý 4 cũng sụt giảm chỉ bằng một phần ba cùng kỳ, đạt hơn 263 tỷ đồng.
Khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2016 âm gần 1.768 tỷ đồng. Con số này cũng vượt quá vốn điều lệ công ty (1.446 tỷ đồng), khiến vốn chủ sở hữu của Gỗ Trường Thành âm hơn 195 tỷ đồng. |
Kết quả thua lỗ trong quý 4/2016 cũng là quý thứ 3 liên tiếp Gỗ Trường Thành ghi nhận lỗ ròng. Lũy kế cả năm, doanh nghiệp này lỗ sau thuế hơn 1.629 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 lãi gần 205 tỷ đồng.
Khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2016 âm gần 1.768 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Con số này cũng vượt quá vốn điều lệ công ty (1.446 tỷ đồng), khiến vốn chủ sở hữu của Gỗ Trường Thành âm hơn 195 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với các cổ đông đã mất toàn bộ vốn góp đầu tư vào công ty.
Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của công ty giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm còn 3.190 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khoản mục nợ phải trả hơn 3.385 tỷ đồng, riêng khoản vay ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến Gỗ Trường Thành sự tụt dốc bắt đầu từ khoản lỗ đột biến lên tới 1.082 tỷ đồng trong quý 2/2016 khi công ty này phải trích lập dự phòng cho gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu sau khi kiểm kê.
Trong báo cáo tài chính, đơn vị kiểm toán Ernst &Young (EY) đã từ chối đưa ra kết luận với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty với 2 nguyên nhân chính liên quan đến hàng tồn kho bị "biến mất" và khó xác định chính xác con số doanh thu bán hàng.
Sau khi phát hiện “sai phạm nghiêm trọng” của TTF, một số sai lệch giữa số liệu mà công ty đã công bố cho nhà đầu tư và con số thực tế mà CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát nắm được thì Tân Liên Phát đã quyết định tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF. Đến cuối tháng 12/2016, 1.201 tỷ đồng này đã có quyết định thay đổi từ hợp đồng vay chuyển đổi sang hợp đồng vay thông thường có sử dụng tài sản đảm bảo.
Trước đó, tháng 3/2016, sau khi chi khoảng 1.800 tỷ đồng trở thành cổ đông lớn của công ty này, đầu tháng 12/2016 Tân Liên Phát đã bán ra gần 29 triệu cổ phiếu TTF, tỷ lệ nắm giữ của Tân Liên Phát đã giảm xuống còn 29,9%. Hiện tại Tân Liên Phát vẫn tồn tại các nghĩa vụ tài chính với Gỗ Trường Thành với tư cách công ty mẹ.
T.L