Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 3410/QĐ-BVHTTDL, đưa Lễ hội truyền thống Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Vu lan hay còn gọi là Vu lan thắng hội ở thị trấn Cầu Kè diễn ra từ ngày 25 - 28/7 âm lịch hàng năm. Vì vậy trong đời sống dân gian từ xưa đã lưu truyền câu thiệu “Hai lăm vào đám, hai tám ra giàn” để người dân nhắc nhớ nhau dù có đi đâu xa cũng cố gắng trở về tham dự ngày lễ hội.
Lễ Vu lan thắng hội ở thị trấn Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Sở VHTT&DL Trà Vinh
Đối với người Hoa thì tín ngưỡng thờ ông Bổn đã có từ rất lâu. Tại huyện Cầu Kè, tín ngưỡng thờ cúng ông Bổn rất được xem trọng và tổ chức thờ cúng với quy mô lớn. Do đó, trong các lễ cúng trong năm thì lễ cúng vía ông Bổn là lễ cúng lớn nhất, từ đó ngày Lễ Vu lan của người Hoa được kết hợp lại cúng chung với lễ vía ông Bổn, nhằm tăng vai trò tín ngưỡng trong lễ hội, làm cho phần hội được sinh động hơn, náo nức hơn, thu hút được nhiều người dân đến tham dự hơn.
Đây là một lễ hội văn hóa tín ngưỡng đặc sắc không những mang đậm nét đẹp truyền thống văn hóa của người Hoa mà dần dần đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Trong 4 ngày lễ hội có đến 20 lễ thức liên hoàn nhau trong một lịch bản rất chặt chẽ. Ngày 25/7 âm lịch, diễn ra 8 lễ thức như: Lễ thỉnh chư Phật và các thần thánh; Lễ Hương tác; Lễ Trình tổ khai chung...
Ngày 26/7 có các lễ thức chính như Lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn; Lễ Thỉnh thùng bổn mạng; Lễ Tế Tiên hiền; Lễ Cầu siêu... Ngày 27/7 âm lịch có 2 lễ thức chính là Lễ Cúng ngọ và Lễ Cầu siêu xà mã.
Ngày 28/7 âm lịch diễn ra Lễ Bái xám; Lễ Thỉnh tượng ngoại đàn; Lễ Phóng đăng và Lễ Chiêu u cô hồn - Đăng đàn thí thực.
Tín ngưỡng thờ ông Bổn của người Hoa ở Cầu Kè khá tương đồng với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng của người Việt. Tín ngưỡng thờ ông Bổn và lễ hội cúng ông Bổn đã có sự giao lưu, tiếp biến một cách hài hòa nhiều sắc thái tín ngưỡng - tôn giáo khác như Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Neakta…
Cộng đồng dân tộc Hoa ở huyện Cầu Kè luôn sống đoàn kết gắn bó với các dân tộc trên địa bàn. Tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer được thể hiện rõ qua Lễ Vu lan thắng hội.
Trong những ngày lễ hội, đông đảo bà con Kinh, Hoa, Khmer cùng về dự lễ. Trong lễ hội, người Kinh có các nghi thức cúng tế với dàn nhạc lễ truyền thống; người Hoa biểu diễn nhạc bát âm và múa lân cùng với sự tham gia của đồng bào người Kinh và người Khmer. Đây là nét đặc biệt trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng ba dân tộc, thể hiện tình đoàn kết gắn bó lâu đời ngay từ những ngày đầu khai hoang lập ấp.
Mâm cúng ông Bổn tại Lễ hội Vu lan thắng hội. Ảnh: Sở VHTT&DL Trà Vinh
Lễ hội Vu lan thắng hội hàng năm thu hút hàng ngàn người tham dự từ trong và ngoài tỉnh. Lễ hội góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, khẳng định được nét riêng, nét độc đáo so với các lễ hội truyền thống khác.
Vũ lan thắng hội không chỉ đơn thuần là lễ hội của sự báo hiếu, báo ân của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, là dịp để khơi gợi những điều tốt đẹp nhất trong trái tim mỗi người khi nghĩ đến gia đình, đấng sinh thành mà còn tạo ra được giá trị lớn hơn, đó là giá trị của tình đoàn kết các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên địa bàn.
Đến nay Trà Vinh có 56 di tích được xếp hạng, gồm 16 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh, có 1 bảo vật quốc gia; 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. |