Theo dự thảo Quyết định, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (KKT cửa khẩu) sau khi điều chỉnh có tổng diện tích là 16.000 ha, bao gồm xã Bờ Y, xã Đăk Kan (thôn 1,3,4), xã Đăk Xú (thôn Thung Nai) và thị trấn Plei Kần (thôn 7) thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có phía Bắc giáp suối Đăk Xú thuộc xã Đăk Xú; Phía Nam giáp suối Đăk Hang và suối Đăk Koi thuộc xã Sa Loong; Phía Đông giáp thị trấn Plei Kần và Quốc lộ 14C; Phía Tây giáp huyện Phu Vông, tỉnh Attapư nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và huyện Tà Veng, tỉnh Ratanakiri Vương quốc Campuchia.
KKT cửa khẩu được tổ chức thành các khu chức năng gồm khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy định của pháp luật và đặc điểm của địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết KKT cửa khẩu, tỉnh Kon Tum.
Hoạt động và các cơ chế, chính sách đối với KKT cửa khẩu tỉnh Kon Tum được thực hiện theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 225/QĐ-TTg ngày 8/2/2007 với quy mô 70.438 ha, gồm các xã: Saloong, Bờ Y, Đắk Sú, Đắk Dục, Đắk Nông, Đắk Kan và thị trấn Plei Kần thuộc huyện Ngọc Hồi.
Đây là là khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có quy chế hoạt động riêng, được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ; phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực, nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện về địa lý - chính trị - kinh tế - xã hội; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.
KKT cửa khẩu có 1 cửa khẩu Quốc tế với Lào và 1 cửa khẩu Quốc gia Campuchia, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây của khu kinh tế đã được Thủ tướng 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia phê duyệt quy hoạch tại tuyên bố Viêng Chăn ngày 24/11/2004 về việc thiết lập tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông; là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Myanma. Có vị trí rất thuận lợi đối với giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của các nước.