Theo báo cáo của một tờ báo địa phương tại Trung Quốc, vào ngày 30/8 vừa qua, một phụ nữ sử dụng tên giả Quan Nhược cùng chồng đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc lừa đảo tiền lương của nhiều công ty.
Quan Nhược, dù đã có việc làm ổn định, vẫn thường xuyên tham gia ứng tuyển vào các công ty khác. Mỗi lần tham gia phỏng vấn tại một công ty mới, cô ta chụp ảnh và cập nhật lên nhóm chat của công ty hiện tại, giả vờ như đang gặp gỡ khách hàng. Bằng cách này, cô hoàn thành các chỉ tiêu công ty đề ra mà không cần phải nỗ lực thực sự.
Trong suốt ba năm, Quan Nhược liên tục sử dụng mánh khóe này để tạo ra nguồn thu nhập khổng lồ. Đã có thời điểm cô ta nắm giữ tới 16 công việc cùng một lúc. Chồng cô, Trần Cường, là đồng phạm trong những vụ lừa đảo tinh vi này. Cặp đôi được cho là đã kiếm đủ tiền để mua một căn biệt thự ở Thượng Hải.
Các công cụ như con dấu, căn cước và thẻ ngân hàng giả đã giúp cặp vợ chồng này thực hiện hành vi lừa đảo. Với “tài năng” lừa đảo, Quan Nhược nhận được vô số lời mời làm việc từ các công ty lớn nhỏ. Cô và chồng không từ chối bất kỳ cơ hội nào, mà bán lại các vị trí tuyển dụng cho những người khác và kiếm tiền hoa hồng từ đó. Họ sử dụng nhiều loại thẻ giả mạo, căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để che giấu hành vi của mình.
Do phải “làm việc” cho quá nhiều công ty, Quan Nhược dần lo sợ mình không thể nhớ hết được các thông tin. Vì vậy, cô phải ghi chép chi tiết tên công ty, thời gian gia nhập, chức vụ và mã số thẻ lương của mỗi nơi để tránh nhầm lẫn.
Thế nhưng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, một lần sơ suất đã khiến người phụ nữ giả danh Quan Nhược bị phát giác và bắt giữ. Hành vi lừa đảo của cô bị vạch trần khi Lưu Kiện, chủ sở hữu một công ty công nghệ, phát hiện ra sự bất thường trong các tài liệu của cô.
Công ty của Lưu Kiện đang tìm kiếm nhân viên bán hàng có kinh nghiệm để quảng bá sản phẩm mới, với mức lương 2.740 USD cho trưởng nhóm và 50% mức lương này cho các thành viên khác. Quan Nhược và bảy người trong "đội ngũ" của cô đã ứng tuyển và được chọn. Công ty rất ấn tượng với sơ yếu lý lịch của họ, trong đó ghi rõ kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp lớn và danh sách khách hàng thân thiết chất lượng cao.
Tuy nhiên, sau ba tháng thử việc, những người này không đạt được thành tích nào. Công ty quyết định sa thải họ, nhưng họ đã có chuẩn bị từ trước, lập tức gửi đơn xin nghỉ việc và yêu cầu công ty trả đầy đủ số tiền lương còn lại.
Sự bất thường lộ ra khi đơn xin nghỉ việc của Quan Nhược đề tên một công ty khác, không phải công ty công nghệ của Lưu Kiện, và các mốc thời gian trong đơn có sự mâu thuẫn. Nghi vấn có hành vi lừa đảo, ông Lưu đã trình báo cảnh sát.
Một đội đặc nhiệm nhanh chóng được thành lập. Bằng cách truy cập và thu thập hàng trăm bộ hồ sơ nhân sự từ hàng chục nhà tuyển dụng, cảnh sát bước đầu xác định được danh sách nghi phạm.
Cảnh sát Phố Đông ở Hàng Châu đã bắt giữ 53 người, và tổng thiệt hại tài chính do những kẻ lừa đảo gây ra ước tính khoảng 50 triệu NDT (khoảng 175 tỷ đồng).
*Theo Yahoo News/Markettimes