Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương (NHTW) có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi.
Động thái này của NHNN đã khiến mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu, từ đó giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. Lãi suất dưới kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng dao động từ 3,3%/năm đến 4%/năm.
Ở các kỳ hạn dài, từ 12 tháng trở lên, lãi suất phân hoá mạnh. Lãi tại các ngân hàng quốc doanh thấp hơn các ngân hàng thương mại cổ phần rất nhiều. Tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức cao nhất chỉ là 5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
5,6%/năm cũng là mức cao nhất tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). BIDV cũng áp dụng “trần” 5,6%/năm nhưng cho nhiều kỳ hạn hơn (từ 12 tháng đến 36 tháng). Tương tự BIDV, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng niêm yết mức lãi cao nhất chỉ là 5,6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Các ngân hàng thương mại cổ phần có mức lãi cao hơn khá nhiều. Lãi suất huy động tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) dù giảm mạnh từ mức 9,4%/năm nhưng vẫn duy trì vị trí cao nhất thị trường với 8,95%/năm. Lãi suất cao là một trong những nguyên nhân giúp SHB giữ được tốc độ tăng trưởng huy động vốn dương.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng thường xuyên nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Trong tháng 12 này, biểu lãi suất tại Eximbank chưa có sự thay đổi. Mức cao nhất vẫn là 8,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng với khoản tiền tiết kiệm lên đến 500 tỷ đồng. Ngoài ra, các kỳ hạn còn lại, lãi chỉ dao động quanh mức 6,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCaptialBank) đã có thời là đơn vị có lãi suất huy động cao nhất ngành. Thế nhưng, hiện tại, VietCaptialBank đã lùi sâu. Mức cao nhất tại VietCapitalBank là 7,5%/năm áp dụng tại kì hạn 60 tháng, không thay đổi so với trước.
Đứng sau là các kỳ hạn dài. Cụ thể, tiền gửi tại kì hạn 24 tháng được hưởng lãi suất 7%/năm. Hai kì hạn tiếp đó 36 tháng và 48 tháng lãi suất tiết kiệm niêm yết lần lượt là 7,2%/năm và 7,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) là một trong số ít đơn vị niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm. Lãi suất huy động tại Kienlong Bank được niêm yết ở mức 7,1%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng đến 60 tháng.
Thời gian vừa qua, một lượng vốn rất lớn đã “chảy” từ ngân hàng vào thị trường chứng khoán giúp thanh khoản trên thị trường tăng “phi mã” từ 4.000 tỷ đồng lên 14.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Để tăng cường huy động vốn, các ngân hàng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại. Là đơn vị có lãi suất thấp, VietinBank tặng các phần quà như ô che mua, cốc – ly. máy xay sinh tố, ấm siêu tốc, bộ ấm chén, bộ nồi y nốc, nhiệt kế điện tử, túi chườm đa năng, cân điện tử, máy đo huyết áp… cho khách hàng khi tham gia chương trình.
Ngân hàng BIDV liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi có chương trình tiết kiệm dự thưởng. Chương trình áp dụng khi khách hàng cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài gửi tiền tiết kiệm tai ngân hàng theo 2 phương thức trả lãi cuối kỳ có kỳ hạn gửi từ 1, 2, 3, 6, 9, 13, 15, 24, 36 tháng.
Những ngân hàng thương mại cổ phần như Eximbank, NCB, Sacombank… dù có mức lãi suất khá cao nhưng vẫn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại tặng quà cho khách hàng. Phần thưởng là những sản phẩm có giá trị như xe máy, điện thoại di động…