Lãi suất huy động giảm nhẹ ở MB, ACB, Techcombank

(CL&CS) - Trong tuần qua, lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh giảm 10 - 30 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại lớn như MB, ACB, Techcombank...

Hiện nay, lãi suất huy động phổ biến ở mức 2,7 - 4,0%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5,0%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,6 - 6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới trong tuần qua. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ khoảng 2 điểm cơ bản, kết tuần ở 0,70%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,84%/năm cho kỳ hạn 1 tuần.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức 14,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục kể từ tháng 4/2020, tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Trên thực tế, trong hai tháng 7 và 8, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88 ngàn tỷ đồng, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8 và thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600 ngàn tỷ trong 6 tháng đầu năm. Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định tín dụng sẽ chưa có nhiều tiến triển trong tháng 9 và tháng 10, khi lệnh giãn cách xã hội vẫn còn áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Thanh khoản trên hệ thống nhờ đó vẫn duy trì trạng thái dồi dào và lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp.

Trong tuần qua, lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh giảm 10 - 30 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại tư nhân lớn như MB, ACB và Techcombank. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, dao động ở 2,7 - 4,0%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5,0%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,6 - 6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Tính đến hết tháng 7, tổng tiền gửi chỉ tăng 4,0%/năm so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức tăng 4,35%/năm trong năm 2020) và chênh lệch tiền gửi - tín dụng tiếp tục thu hẹp. Mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống khi vẫn cao hơn so với giai đoạn trước Covid, do vậy SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.

TIN LIÊN QUAN