Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng

(CL&CS)- Ngày 12/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng”.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ Đại hội XIII của Đảng đến nay, dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng được ghi nhận và thể hiện thông qua cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức của Đại hội cũng như các Nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.

TS.Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia trao đổi, đánh giá việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đánh giá những nội dung, kết quả đã làm được từ đầu nhiệm kỳ tới nay cũng như đề ra các giải pháp thực chủ yếu nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS, TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, nửa đầu Đại hội XIII của Đảng, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII của Đảng đã nhận định: Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều tăng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại... đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.

PGS, TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại diễn đàn

Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, điểm mới rất quan trọng của nhiệm kỳ này là Đảng ta đã ban hành và chỉ đạo tổ chức rất thành công các hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ những chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội trong hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII. Đồng thời, đặt ra các vấn đề trong bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn; nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các đồng chí chủ trì Diễn đàn

Để đạt được mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII, các đại biểu cho rằng, trước hết cần chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường để kịp thời ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường từ chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu... nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

TIN LIÊN QUAN