Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV nhấn nút thông qua là một thách thức lớn. Việt Nam quyết định bước vào một “guồng quay” mới để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và có nhiều yếu tố rủi ro bất định.
Chinh phục được thách thức, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều điều, từ vị thế ngày càng cao hơn trên thị trường toàn cầu đến những cơ hội mới trong việc thu hút đầu tư FDI, FII và phát triển thị trường xuất khẩu.
Việt Nam liệu có thể làm được điều phi thường đó cho năm Rồng? Theo nhiều chuyên gia, dư địa tăng trưởng của Việt Nam là rất lớn khi năm 2023 nước ta đã thực hiện đồng bộ nhiều phương diện để tạo động lực bứt phá.
Nhìn lại năm 2023, kinh tế Việt Nam đã có một năm tăng trưởng ấn tượng, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng có ít nhất 5 “quả ngọt” tạo động lực cho 2024 và những năm tới.
- Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã chỉ ra 2 điểm nhấn quan trọng khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam 2023.
“Điểm sáng quan trọng trong năm 2023 vừa qua chính là việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế”- chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định
Thứ nhất, năm 2023, Việt Nam tăng trưởng ở mức tương đối khá trong khu vực, đặc biệt là tín hiệu phục hồi rất rõ ràng bắt đầu từ cuối quý II/2023. Ở các lĩnh vực, các khu vực kinh tế khác nhau đều có dấu hiệu phục hồi.
Thứ hai, trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát năm vừa qua tương đối thấp, ở ngưỡng 3,25% và nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với GDP ở mức tương đối ổn. Đặc biệt, triển vọng phục hồi tăng trưởng tích cực chính là lý do để tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế quyết định nâng hạng Việt Nam.
Các con số trên nói lên rất nhiều điều nhưng ý nghĩa quan trọng nhất của việc duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn là giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những thách thức toàn cầu.
Để đạt được những điều đó, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các Bộ, Ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Nghị quyết đề cập khá toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Có thể nói, năm 2022, chúng ta đã thực hiện thành công và xuất sắc nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Và kết quả ấn tượng đó là tiền đề để kinh tế Việt Nam năm 2024 phát triển vượt bậc.
Tăng trưởng kinh tế thấp nhất hàng chục năm trở lại đây là thảm cảnh mà Việt Nam và thế giới phải trải qua sau đại dịch Covid-19. Lạm phát khiến đời sống người dân lao đao, doanh nghiệp mất sức đề kháng khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Kinh tế Việt Nam phải chịu đựng cú sốc khi tăng trưởng quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao trong khó khăn.
Trong thời khắc cam go đó, Chính phủ đã liên tục có những động thái mạnh mẽ. Có lẽ, chưa bao giờ người dân Việt Nam được chứng kiến số lượng hội nghị, hội thảo cũng như quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn nhiều như năm 2023. Doanh nghiệp liên tục được những hành động cụ thể từ chính sách như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2%; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết… để từ đó có thêm sức mạnh và hồi phục.
Môi trường kinh doanh “sáng” hơn rất nhiều khi ngoài các điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô thì Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt tạo ra động lực phát triển dài hơi cho doanh nghiệp.
Kết quả từ các chính sách hỗ trợ đã được ghi nhận khi tăng trưởng GDP quý sau bật tăng hơn quý trước và Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng GDP lên đến 5,05%. Từ kết quả có thể tạm bằng lòng đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia hiếm hoi đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực (tăng trưởng bình quân của ASEAN khoảng 4,3%).
Giới chuyên gia cho rằng, sự quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh chính là một trong những yếu tố “sống còn” đối với sự phát triển của kinh tế cũng như tích tụ nguồn lực cho dài hạn. Nhờ những nhân tố này, Việt Nam trở thành điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế.
“Điểm sáng quan trọng trong năm 2023 vừa qua chính là việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế”- ông Cấn Văn Lực khẳng định một cách mạnh mẽ như vậy tại hội thảo "Nền kinh tế Việt Nam năm 2023".
Thực tế, năm 2023 là một trong những năm có nhiều chính sách tích cực được ban hành bậc nhất trong lịch sử như: Nghị định 08 và Dự thảo Thông tư 16 (sửa đổi) gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Nghị quyết thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững; Nghị định 10 hướng dẫn thi hành Luật đất đai, tháo gỡ cho bất động sản nghỉ dưỡng; Thông tư 02 cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Nghị định 35 cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền… đã và đang tác động tích cực, mang tới sự khởi sắc của thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm 2023.
Đặc biệt, những chính sách trên không chỉ áp dụng tại thời điểm “cơ hàn” nhất của kinh tế Việt Nam mà duy trì dài hạn. Điều đó cho thấy tầm nhìn xa và những nỗ lực hết mình của các cơ quan quản lý trong việc tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy động lực tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nói về nội lực của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC nhận định: “Tôi nhìn thấy sự vươn tầm phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chính là một động lực quan trọng cho thành công của nền kinh tế. Điều này phản ánh một xu hướng đang lớn mạnh về sáng tạo và minh chứng của chuyển giao kinh nghiệm cũng như kỹ năng tới cấp cơ sở của Việt Nam”.
Ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC
Sự khẳng định của vị chuyên gia không phải không có cơ sở. Trong năm 2023, các chính sách thu hút đầu tư được ban hành một cách “dồn dập”. Đó là 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện, văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ không chỉ đưa ra quyết sách trên giấy mà đi kèm với những động thái mạnh mẽ hơn khi thành lập 5 tổ công tác; 26 đoàn công tác do chính thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn… thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Kết quả của những “quả bom” chính sách là những “quả ngọt” thực sự khi, năm 2023, ước đạt khoảng 95% giải ngân vốn đầu tư công, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58 điểm % (91,42%).
Thành quả đạt được rõ ràng nhất đó là sự gia tăng mạnh mẽ nội lực cho doanh nghiệp Việt như ông Ahmed Yeganeh nhìn nhận: “Doanh nghiệp Việt đang tạo ra rất nhiều công ăn việc làm và khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ doanh nghiệp Việt Nam sau này tiếp tục hưởng ứng tinh thần đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị và của cải”.
Minh chứng cho sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt là sự gia tăng và tiến bộ của các tập đoàn lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Những cái tên như Vingroup, Masan, FPT, Viettel đang vươn tầm quốc tế. Đặc biệt, VinFast đã gia nhập thị trường xe điện thế giới, Thương hiệu Chinsu của Masan ra mắt dòng sản phẩm gia vị mới ở Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, châu Âu… FPT có mặt ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ còn Viettel đạt doanh thu 3 tỷ USD nhờ các dự án đầu tư ở nước ngoài trong năm vừa qua. Danh sách này vẫn chưa dừng lại và chắc chắn sẽ tiếp tục trong năm tới.
Kết quả trên được nhiều chuyên gia hàng đầu ghi nhận có được là do sự quyết liệt của Chính phủ trong việc giải ngân vốn đầu tư công - một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phát triển kinh tế.
Vốn đầu tư công như một “đòn bẩy” thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp.
Vốn FDI tăng vượt so với cùng kỳ năm 2022
Ông Ahmed Yeganeh nhìn nhận: Một yếu tố quan trọng cho thành công và mức tăng trưởng cao trong hiện tại chính là tính hiệu quả trong thu hút FDI ở một khu vực cạnh tranh cao.
“Việt Nam đã chuyển mình trở thành một nền kinh tế dẫn dắt bởi xuất khẩu (xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp 5 lần trong vòng một thập kỷ qua), được tiếp sức bởi môi trường chính sách tiến bộ nhằm tăng cường thu hút FDI thông qua triển khai hơn 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mang đến sân chơi thuận lợi cho phép các nhà xuất khẩu tiếp cận thế giới, trong đó bao gồm 15 thị trường thuộc nhóm G20.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang xây dựng một hệ sinh thái chuỗi cung ứng vững vàng xoay quanh sản xuất và chế biến, tìm đường vươn lên trong chuỗi giá trị và định vị là một trong những điểm đến đầu tư được ưa thích trước làn sóng Trung Quốc + 1”, vị chuyên gia bày tỏ.
Tổng quan về nguồn vốn FDI năm 2023
Đại diện Cục Đầu tư Nước ngoài khẳng định, việc vốn FDI tăng so với cùng kỳ đã cho thấy sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý... giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất - kinh doanh, để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.
Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản là một trong những vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổng vốn hóa thị trường tài chính năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP, riêng sàn HoSE là 186 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Lành mạnh hoá thị trường tài chính và bất động sản, phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua thị trường đã từng bước huy động vốn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5% giai đoạn 2016-2021.
Có thể thấy việc thị trường vốn và tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống KRX. Giới chuyên gia đánh giá, hệ thống này sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên đồng bộ, giúp gia tăng khả năng kết nối giữa các cơ quan quản lý và các thành viên trên thị trường từ đó tăng quy mô giao dịch, thanh khoản có thể lên đến vài tỷ đô/phiên giao dịch.
“Quá trình chuyển đổi số, giao dịch có sự hỗ trợ bằng công nghệ sẽ giúp cho thị trường thêm minh bạch, giúp cho nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam được tiếp cận công bằng hơn so với các nhà đầu tư tổ chức, họ có nhiều thông tin hơn, chuyên nghiệp hơn”, một chuyên gia nhận định.
Nỗ lực để thành công vượt qua “cơn gió ngược” là điều mà nền kinh tế Việt Nam đã làm được trong năm 2023. Dưới sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, Thủ tướng, cùng sự quyết liệt triển khai của các Bộ, Ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển, được nhận định là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới năm 2023.
Dù trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động mạnh và chịu tác động tiêu cực từ đại dịch cùng những bất ổn của chính trị toàn cầu, Việt Nam vẫn nổi lên là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt với những chính sách vĩ mô ổn định, cơ chế thu hút đầu tư cởi mở. Không chỉ là một đất nước hòa bình, có nền văn hóa phong phú, đa dạng, sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, với cơ hội việc làm, thu nhập cao và những con người thân thiện, cởi mở, Việt Nam đang ngày càng trở nên nổi bật và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, kinh doanh và phát triển bền vững./.