Ngày 06/07, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo: Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ một số kinh nghiệm để thực thi nền kinh tế tuần hoàn. Trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, vấn đề môi trường, hóa chất độc hại, Nhật Bản đã biến từ “nguy” thành cơ hội để phát triển kinh tế toàn hoàn. Trong đó, nền kinh tế toàn hoàn tập trung vào các lĩnh vực: Vật chứa và bao bì; pin và đồ điện gia dụng; vật liệu xây dựng; ô tô.
Đại diện nhóm nghiên cứu JICA/ Nippon Koei, ông Tomoyuki Hosono, Trưởng dự án nghiên cứu khảo sát kinh tế tuần hoàn Việt Nam của Tổ chức JICA cho biết: Nhật Bản đã sớm đưa ra tầm nhìn kinh tế tuần hoàn từ năm 1999, mục tiêu giải quyết những vấn đề thách thức của môi trường và tài nguyên đối với sự phát triển bền vững của Nhật Bản.
Trong qua trình thực hiện, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, như quản lý chất thải thì cần có các quy định pháp luật liên quan đến việc mở rộng kinh doanh trên thế giới, tận dụng các luật phù hợp; các hướng dẫn và đưa ra các cột mốc quan trọng, với việc áp dụng tối thiểu các biện pháp quản lý được đánh giá cao trong việc thúc đẩy các hoạt động công nghiệp tự nguyện, tính sáng tạo và độc đáo cho các doanh nghiệp tư nhân. Những kinh nghiệm trong thu gom và xử lý rác thải ở Nhật Bản cũng là một ví dụ điển hình của nền kinh tế tuần hòa mà Việt Nam có thể học hỏi.
Với kinh nghiệm về xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam với dự án SATREPS nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu chính của dự án là nhằm thu thập các thông tin cơ bản về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và Nhật Bản; phân tích cấu trúc cơ sở pháp lý về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản; cũng như các kế hoạch cơ bản để thiết lập một xã hội tuần hoàn – vật chất an toàn.
Đến năm 2020, Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quản lý và kinh doanh thúc đẩy các sáng kiến tự nguyện trong các ngành công nghiệp, đánh giá phù hợp của thị trường và xã hội, hướng dẫn đầu tư của kinh tế tuần hoàn. Trong đó đã tối đa hóa nguồn nguyên liệu tài nguyên và hiệu quả năng lượng, tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ - doanh nghiệp - người tiêu dùng.
Theo TS. Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách và tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Trước tác động đại dịch Covid-19, kinh tế tuần hoàn sẽ là một công cụ mạnh mẽ để có thể phục hồi nền kinh tế và xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 31/12/2023. Theo lộ trình và trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn, các bộ và UBND các tỉnh cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn; lồng ghép các tiêu chí thực hiện cụ thể; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải; tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật; đồng thời, quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Từ những chia sẻ các chuyên gia về các kinh nghiệm áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản, các nhà khoa học nhóm nghiên cứu đề xuất xác định 3 lĩnh vực ưu tiên cho triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam gồm các ngành công nghiệp (sản xuất chế tạo, năng lượng, xây dựng); Nông lâm thủy sản (trồng trọt, chăn nuôi) và du lịch (vận chuyển kho bãi và du lịch). Mục tiêu việc lựa chọn là bắt đầu với các lĩnh vực khả thi mà kinh tế tuần hoàn có thể tương đối dễ dàng để giới thiệu và áp dụng; lĩnh vực dễ làm trước, khó làm sau hoặc lĩnh vực đã được các nước triển khai áp dụng thành công.