Quy định của pháp luật về công tác PCCC đối với chủ nhân kinh doanh phòng trọ, nhà cho thuê được quy định cụ thể trong các Luật và Nghị định như: Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 sửa đổi bổ sung năm 2013; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình...
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, do đó vấn đề quy định phòng cháy chữa cháy đối với nhà trọ, nhà cho thuê nhận được sự quan tâm rất lớn của nhiều người.
Sau hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội, lực lượng chức năng đã tiến hành tổng rà soát, kiểm tra công tác PCCC tại các chung cư mini, nhà cho thuê trên địa bàn Thủ đô cùng các địa phương khác.
Thực tế, có nhiều người kinh doanh phòng trọ, nhà cho thuê cũng không nắm rõ về quy định PCCC cũng như hoạt động của mình có cần xin giấy phép PCCC chữa cháy hay không.
Quy định về PCCC với kinh doanh phòng trọ, nhà cho thuê
Căn cứ Khoản 1 Điều 23 Luật PCCC 2001 sửa đổi bổ sung năm 2013 có quy định "Công trình cao tầng phải có thiết bị chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; phải có phương án thoát nạn, bảo đảm tự chữa cháy ở những nơi mà phương tiện chữa cháy bên ngoài không có khả năng hỗ trợ".
Chính vì thế, các công trình cao tầng gồm nhà ở và các công trình chức năng khác đều cần được lắp đặt thiết bị PCCC.
Khi kinh doanh cho thuê nhà trọ, phòng trọ cần đảm bảo các quy định về PCCC. Việc người cho thuê nhà trọ có cần xin giấy phép PCCC hay không sẽ phụ thuộc vào quy mô của công trình.
Xin giấy phép PCCC được hiểu là làm thủ tục xin thẩm duyệt thiết kế PCCC của cơ quan chức năng. Nếu công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC như quy định tại Nghị định 136 /2020/NĐ-CP thì người chủ sở hữu phải hoàn thành thủ tục này trước khi tiến hành hoạt động cho thuê.
Dự án, công trình nào phải thẩm duyệt thiết kế PCCC?
Tại phụ lục V của Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng đã liệt kê danh mục dự án, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC, trong đó bao gồm:
1. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên.
2. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên.
Những công trình này cần có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) cùng văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.
Những công trình có quy mô nhỏ hơn thì không cần xin thẩm duyệt PCCC mà phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC tại cơ sở. Danh mục cụ thể các cơ sở này được quy định tại Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trong đó bao gồm:
1. Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 2.500m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500m3 trở lên.
2. Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500m3 trở lên; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 3 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.000m3 trở lên.
Yêu cầu về điều kiện an toàn PCCC gồm những gì?
1. Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
2. Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này; Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
3. Có hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
Đối với các công trình nhà trọ, phòng trọ có quy mô nhỏ hơn nữa, không thuộc các trường hợp được quy định tại Phụ lục III và Phụ lục V nêu trên thì không bắt buộc mà chỉ khuyến khích chấp hành PCCC để đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh cho thuê.
Các chung cư, phòng trọ, nhà cho thuê không đảm bảo công tác PCCC bị xử phạt thế nào?
Đối với trường hợp chủ kinh doanh nhà trọ, nhà cho thuê thuộc diện phải tiến hành thủ tục xin thẩm duyệt PCCC nhưng không thực hiện sẽ bị xử phạt. Tuỳ vào từng hành vi vi phạm cũng như mức phạt tương ứng được quy định tại Điều 51 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
1. Tiến hành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
3. Sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy, để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%.
- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích và thiệt hại tài sản, chủ phòng trọ, nhà cho thuê có thể sẽ bị khởi tố Hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung sửa đổi 2017.
Ngoài ra sẽ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;
b) Không trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới theo quy định của pháp luật (căn cứ theo Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy).