TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh của Thủ tướng nhấn mạnh: Phải có sự kết hợp hài hòa giữa chuyên môn về y tế với các quyết định vĩ mô về kinh tế thì mới hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển được.
Tổ trưởng Tổ tư vấn cũng nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021, đặc biệt đối với nền kinh tế và doanh nghiệp là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cố gắng hạn chế tối đa, không để giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống. Đây là một chỉ đạo rất quyết liệt.
Vì đơn cử như trong ngành dệt may, nếu chúng ta giao chậm hàng không kịp mùa Noel của năm nay hoặc vụ xuân hè của sang năm thì thị trường Mỹ không thể ngồi đợi chúng ta được, họ sẽ đi đặt hàng ở chỗ khác. Như vậy chúng ta sẽ bị mất thị phần và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong năm 2022.
“Chúng tôi cũng đã dự báo và báo cáo với Thủ tướng khó khăn về hợp đồng kinh tế xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở quý IV/2021, mà chúng tôi dự báo hợp đồng thời vụ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn ở quý I/2022”, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Theo ông Kiên nếu chúng ta có 150 triệu liều vaccine từ nay đến hết tháng 12/2021, thì đến hết quý I mới hết khó khăn. Nếu chúng ta không có vaccine như các nhà chuyên môn y tế đã nói, thì chi phí việc tắt - bật - tắt - bật nền kinh tế rất lớn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Theo số liệu mới nhất của Ban IV về kinh tế tư nhân báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 8/2021 có 10.000 doanh nghiệp trong khu vực phía Nam đã rời bỏ thị trường. Đây là con số rất đáng báo động.
Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp phân theo từng tỉnh/thành phố tại 5 thành phố lớn (%)
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 vừa qua, bên cạnh báo cáo về kinh tế xã hội 8 tháng và dự kiến 4 tháng còn lại năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu những biện pháp hỗ trợ cụ thể trình các cơ quan có thẩm quyền để trong 2 năm 2022-2023 chúng ta đạt được phục hồi kinh tế, đến cuối năm 2023 cùng nhịp với kinh tế thế giới hồi phục trở lại thời kỳ như tháng 12/2019.
“Tất cả kịch bản kinh tế như thế đều phải dựa trên chuyển từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”, phải có các cơ sở nghiên cứu khoa học, phương tiện để chuyển từ đại dịch thành bệnh dịch thông thường theo tiêu chuẩn của WHO”, TS.Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Vaccine sẽ là công cụ tốt nhất để hỗ trợ phát triển kinh tế. Không phải chúng ta không chủ động đặt vấn đề về vaccine. Từ tháng 5/2020 chúng ta đã tiến hành đàm phán, ký kết các Hiệp định về mua vaccine.
Tuy nhiên điều kiện thời hạn giao hàng rất lỏng, nên họ không giao kịp chúng ta cũng không kiện và phạt họ được. Bởi vì tại thời điểm năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, theo đánh giá Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam không phải là quốc gia nằm ở trong vùng dịch. Nên chúng ta không được ưu tiên.
Khi đến tháng 6/2021, trình tự sản xuất vaccine nội không đáp ứng được theo dự kiến của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ vaccine để trực tiếp trong giai đoạn trước mắt, từ nay đến hết năm cố gắng bằng tất cả các nguồn ngoại giao nhân dân, ngoại giao chính phủ, qua doanh nghiệp để có thể tiếp cận các nguồn vaccine.
“Nếu không có vaccine, Việt Nam không tự lực được, tất cả các kịch bản kinh tế chúng tôi tham mưu xây dựng nên đều có thể bị phá”, Tổ trưởng Tổ tư vấn nói.
Biện pháp về hành chính, các cơ quan quản lý cũng hết sức lắng nghe và có thay đổi cho phù hợp. Như ở TP. Hồ Chí Minh, lúc đầu khi phục vụ chống dịch đã cấm vận chuyển hàng hóa, chỉ được vận chuyển các hàng hóa thiết yếu.
Qua phản ánh của dư luận xã hội, phản ánh thực tế, quy định đã thay đổi, chỉ có hàng cấm là không được đi, còn lại các hàng hóa khác đều được đi. Nhưng biện pháp đó cũng chưa hợp lý. Đến bây giờ biện pháp là người lái xe đã được tiêm cùng với các yêu cầu y tế, thì họ có thể được lưu thông qua các tỉnh, bến cảng như bình thường, và phải tuân thủ quy định của ngành y tế.
Nhưng vấn đề bây giờ đặt ra đối với ngành y tế phải tư vấn được để làm căn cứ cho Thủ tướng và Chính phủ quyết định với người tiêm 2 mũi vaccine sẽ như thế nào, có thực hiện hộ chiếu vaccine hay không?
Vấn đề là: Với quy định của ngành y tế như thế thì kinh tế làm như thế nào? Cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa chuyên môn về y tế với các quyết định vĩ mô về kinh tế thì mới hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển được. Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh.
Và Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, hướng dẫn đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, người nhiễm Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ. Các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin đã đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống dịch, lại chưa thực sự phát huy hiệu quả với công tác quản lý và phòng chống dịch vì dữ liệu không tập trung, không tích hơp còn người dùng lại gặp thêm khó khăn khi có nhiều ứng dụng được đưa ra với chức năng tương tự. Bộ Y tế yêu cầu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử. Bộ Giao thông - Vận tải sử dụng Tờ khai y tế trong khi lưu thông, đi lại. Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng Bluezone và Ncovi…
Các chuyên gia công nghệ cho biết hiện có khoảng 12 ứng dụng khai báo y tế, nhưng không có ứng dụng nào là xuyên suốt, hiếu sự kết nối, chia sẻ.
“Chúng ta có một ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch được hay không”, ông Kiên nói.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)