Không cần hơn, doanh nghiệp tư nhân chỉ cần chính sách như với FDI

(CL&CS) - Kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng và đã góp phần tạo vị thế, diện mạo mới cho Việt Nam.Nhưng khu vực này vẫn bị phân biệt đối xử.Chỉ cần có được chính sách như với FDI, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bật lên mạnh.

Tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra, vẫn phổ biến

Trong báo cáo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới” vừa công bố, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh và đã khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Đây là một báo cáo CIEM thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).  

Kinh tế tư nhân đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho Việt Nam

Báo cáo cho thấy kể từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đã có nhiều đổi mới quan trọng trong nhận thức, chỉ đạo và chính sách về kinh tế tư nhân. Vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định.

Trình bày báo cáo này, TS Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của  CIEM cho biết kinh tế tư nhân đóng góp tới 40% GDP, đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều hơn cả khu vực DNNN và khu vực FDI.

Kinh tế tư nhân đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho Việt Nam. Đã có những doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đã có những doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn tầm thế giới và khu vực.

Kinh tế tư nhân hỗ trợ hàng triệu người lao động có việc làm với mức lương bình quân lên 8,3 triệu đồng/tháng vào năm 2020 và đã đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…

“Điều  này cho thấy, khối kinh tế tư nhân ngày càng có vị thế quan trọng trong nền kinh tế”, bà Luyến nói.

Khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh về số lượng với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh hàng năm. Năm 2011 có khoảng 325.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, thì sang năm 2019 đã tăng lên 647.000 doanh nghiệp.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân đang hoạt động và quy mô cũng tăng đáng kể, mật độ doanh nghiệp cũng tăng lên.

Nhưng năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Mật độ và tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số vẫn còn thấp xa so với các nước trong khu vực.  

Việt Nam mới đạt khoảng 124 người dân/ doanh nghiệp tư nhân  trong khi tỷ lệ bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp. Và doanh nghiệp tư nhân vẫn chủ yếu là  nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa.

“Vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng đối xử bất bình đẳng đối với khu vực kinh tế tư nhân vẫn khá phổ biến ”, CIEM lưu ý.

Người làm giỏi phải được thưởng

Trong thực tế, kinh tế tư nhân chưa thực sự có được sự bình đẳng trong khi DNNN và khu vực FDI có được nhiều ưu tiên ưu đãi hơn.

Mật độ Cty TNHH thành lập mới/1000 dân độ tuổi 15-64 (năm 2018)

Bình luận về báo cáo này và về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, PGS.TS.Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam  đã nói lên một sự lo ngại: Dù kinh tế tư nhân của Việt Nam đang từng bước trưởng thành và ghi đậm dấu ấn trên trường thế giới, song vẫn chưa thể vượt qua cái “bóng” khổng lồ của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).  

Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng: Chính sách vẫn có sự không nâng đỡ khu vực tư nhân đúng mức. Khu vực FDI nhận được nhiều ưu đãi, nhận được chính sách cở mở trong khi tiềm lực của họ đã mạnh hơn doanh nghiệp Việt rất nhiều. Có rất nhiều chính sách rất mạnh hỗ trợ khối các doanh nghiệp FDI, thì doanh nghiệp tư nhân lại không có.

“Chỉ cần chính sách công bằng. Chỉ cần nhận được những chính sách như chính sách  dành cho FDI, không cần hơn thì doanh nghiệp Việt Nam đã bứt lên được rồi và   phát triển vượt bậc hơn hiện nay rất nhiều”, PGS.TS.Trần Đình Thiên nói.  

 Vấn đề hiện nay là phải có chính sách, tạo môi trường để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển, và vấn đề phải quan tâm là lực lượng tập đoàn tư nhân Việt Nam bứt lên thế nào. Đến nay kinh tế tư nhân đã sang thế hệ thứ 3 rồi, đây là thế hệ khởi nghiệp, thời đại khởi nghiệp. Phải có được môi trường công khai minh bạch và chế độ giải trình mạnh mẽ hơn nữa. Việc sửa chính sách này chính sách kia mà trong môi trường kém công khai, không minh bạch thì cũng chẳng mấy hiệu quả.

Để có lực lượng doanh nghiệp Việt, ông Thiên đề nghị có chính sách để các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển, và người làm giỏi phải được thưởng. “Vấn đề này CIEM đã đề cập lâu rồi nhưng tình hình vẫn vậy”, ông Thiên nói.

Trong báo cáo, CIEM đặc biệt khuyến nghị cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.  

Cũng cùng quan điểm với ông Thiên và CIEM TS.Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng của CIEM cũng nhấn mạnh đến sự công khai, minh bạch và bình đẳng. “Phân biệt đối xử là căn bệnh được nói mấy chục năm nay rồi. Đến nay phải chữa. Phải có chế tài mạnh với những ai, những cơ quan nào, đơn vị nào còn phân biệt đối xử”, ông Bá nói.

“Tôi thấy rằng đâu đó vẫn có tâm lý không để doanh nghiệp tư nhân lớn. Cứ  nhìn với con mắt nhỏ, nhìn ở tầm vừa và nhỏ thì không được. Doanh nghiệp còn sợ lớn. Phải có tư duy làm lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn, phát triển nhiều tập đoàn mạnh hơn thì đất nước mới phát triển được”, ông Bá nhấn mạnh.   

TIN LIÊN QUAN