Cách mạng hóa sản xuất nông nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng trên toàn thế giới, nông nghiệp không còn đơn thuần là lao động chân tay dựa vào kinh nghiệm mà đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chính là chìa khóa, là "then chốt" để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao.
Khoa học công nghệ(KHCN) đã và đang làm thay đổi toàn diện cách thức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Những giống cây trồng, vật nuôi mới được lai tạo và chọn lọc bằng công nghệ sinh học đã giúp tăng năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Khoa học công nghệ – Then chốt phát triển nông nghiệp hiện đại
Hệ thống canh tác hiện đại áp dụng các thiết bị cơ giới như máy gieo hạt, máy cấy, máy thu hoạch tự động đã giúp giảm chi phí lao động, tăng hiệu suất và độ chính xác trong sản xuất. Nông dân không còn “trông trời, trông đất, trông mây” như trước mà có thể quản lý đồng ruộng qua điện thoại thông minh nhờ ứng dụng công nghệ số.
Theo Báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, KHCN đóng vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, nếu lượng hóa có thể KHCN đóng góp khoảng 30% vào giá trị gia tăng của ngành. Minh chứng rõ nét có thể thấy ngay ở chương trình giống cây trồng, ứng dụng KHCN đã tạo ra bước đột phá lớn cho ngành lúa gạo.
Hiện nay, 85% giống lúa là giống mới, 89% là gạo chất lượng cao. Hiệu quả của giống chất lượng cao được thể hiện rõ trong giai đoạn giá lúa gạo giảm, nhưng gạo chất lượng cao vẫn duy trì giá tốt, ít bị ảnh hưởng. Khi giá lúa gạo tăng trở lại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gạo chất lượng cao tăng 100-150 đồng/kg, trong khi gạo chất lượng thấp chỉ tăng 50-100 đồng/kg. Điều này khẳng định vai trò của KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy ứng dụng KHCN trong phát triển giống đã giúp gia tăng giá trị khoảng 38%.
Thực tế cho thấy, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao như tại Lâm Đồng, Hậu Giang, hoặc các trang trại ứng dụng IoT tại Đồng bằng sông Cửu Long đã cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Người nông dân từng bước trở thành “kỹ sư đồng ruộng”, doanh nghiệp nông nghiệp trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, để khoa học công nghệ thực sự trở thành then chốt, cần có cơ chế chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong việc đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và kết nối giữa nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông.
Đưa Nghị quyết 57-NQ/TƯ vào thực tiễn
Xác định phát triển KHCN là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất vào tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%...Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực KHCN, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực này là hoàn thiện hệ hệ thống Cổng truy xuất nguồn gốc nông sản, hướng tới việc áp dụng toàn quốc, góp phần nâng cao tính minh bạch trong ngành nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý cấp địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, sớm hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ngành để hướng dẫn các địa phương xây dựng, tích hợp chung, cùng khai thác, phục vụ trong công tác quản lý.
Đáng ghi nhận, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, tại các địa phương đang tập trung chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Nhiều tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới, như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain)…
Khoa học công nghệ không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, xanh và bền vững. Trong kỷ nguyên số, ai làm chủ được công nghệ, người đó làm chủ được tương lai. Việt Nam muốn trở thành quốc gia nông nghiệp phát triển thì nhất định phải đặt khoa học công nghệ vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển nông nghiệp.