Khi ký sắc lệnh này, ông Trump cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội đang có "quyền lực nằm ngoài tầm kiểm soát".
Sắc lệnh có thể phải đối mặt với những trở ngại về pháp lý không?
Các chuyên gia pháp lý nói rằng Quốc hội Mỹ hoặc hệ thống tòa án cần phải can thiệp để thay đổi nhận thức pháp lý về các biện pháp bảo vệ cho những nền tảng này.
Ông Trump thường xuyên cáo buộc các mạng truyền thông xã hội bóp nghẹt hoặc kiểm duyệt những tiếng nói bảo thủ.
Hôm thứ Tư (giờ Washington), ông đã cáo buộc Twitter can thiệp bầu cử, sau khi Twitter thêm các liên kết kiểm chứng thông tin vào hai trong số các nội dung đăng tải của ông.
Hôm thứ Năm, Twitter cũng đã gắn các thẻ "đọc thông tin xác thực về Covid-19" vào hai nội dung đăng tải của một phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc, người tuyên bố virus Corona chủng mới có nguồn gốc từ Mỹ để chống lại quy kết của ông là Chinavirus.
Mục 230 và lệnh hành chính này nói gì?
Sắc lệnh đưa ra để làm rõ Đạo luật về Truyền thông công chính, một luật nhằm bảo vệ các nền tảng trực tuyến như Facebook, Twitter và YouTube về mặt pháp lý trong một số tình huống.
Theo Mục 230 của Luật, các mạng xã hội không chịu trách nhiệm về nội dung được đăng bởi người dùng của họ, nhưng có thể thực hiện tác vụ "chặn vì mục đích tốt đẹp", chẳng hạn như xóa nội dung tục tĩu, quấy rối hoặc bạo lực.
Sắc lệnh hành chính chỉ ra rằng quyền miễn trừ pháp lý không áp dụng nếu mạng xã hội chỉnh sửa nội dung được đăng bởi người dùng và kêu gọi Quốc hội "xóa hoặc thay đổi" Mục 230 này. Ông Trump nói Bộ trưởng Tư pháp William Barr sẽ ngay lập tức "bắt tay" soạn thảo một luật cho Quốc hội để sau đó bỏ phiếu.
Lệnh cũng cho biết việc chặn bài viết có yếu tố "lừa đảo", bao gồm việc xóa bài với những lý do nằm ngoài danh mục trong điều khoản dịch vụ của website, cũng không nên được miễn trừ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio nằm trong số những người lập luận rằng các nền tảng mạng xã hội đảm nhận vai trò của một "nhà xuất bản" khi họ gắn nhãn kiểm chứng thông tin vào các bài đăng cụ thể.
"Luật vẫn bảo vệ các công ty truyền thông xã hội như Twitter vì họ được coi là diễn đàn chứ không phải là nhà xuất bản" - ông Rubio nói - "Nhưng nếu bây giờ họ quyết định thực hiện vai trò biên tập như một nhà xuất bản, họ sẽ không còn được miễn trừ trách nhiệm pháp lý và được coi là nhà xuất bản đúng theo luật".
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành chính nhằm vào các mạng xã hội lớn (Ảnh: AFP) |
Lệnh hành chính cũng kêu gọi:
-Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) nêu rõ các hình thức chặn nội dung nào sẽ bị coi là lừa đảo, không có lý do hoặc không phù hợp với các điều khoản và điều kiện của nhà cung cấp dịch vụ.
-Đánh giá các quảng cáo của chính phủ trên trang truyền thông xã hội và liệu các nền tảng này có hạn chế nội dung dựa trên quan điểm riêng của mình hay không.
-Lập lại "công cụ báo cáo thiên vị" của Nhà Trắng, cho phép công dân báo cáo khi bị đối xử không công bằng bởi các mạng xã hội.
Các mạng xã hội đã phản ứng thế nào?
Twitter gọi lệnh hành chính của Tổng thống Trump là "cách tiếp cận phản động và chính trị hóa đối với một luật mang tính bước ngoặt", và rằng Mục 230 "bảo vệ sự đổi mới và tự do ngôn luận của Mỹ, và nó được củng cố bởi các giá trị dân chủ".
Google, công ty sở hữu YouTube, cho biết việc thay đổi Mục 230 sẽ "làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và vai trò dẫn dắt toàn cầu về tự do internet".
"Chúng tôi có chính sách nội dung rõ ràng và chúng tôi thi hành các chính sách này không liên quan đến quan điểm chính trị. Nền tảng của chúng tôi đã trao quyền cho nhiều người và tổ chức với quan điểm chính trị khác nhau, mang đến cho họ tiếng nói và cách thức mới để tiếp cận khán giả" - công ty cho biết trong một thông cáo gửi tới BBC.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm thứ Tư, tổng giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg, cho rằng việc kiểm duyệt một nền tảng truyền thông xã hội sẽ không phải là "ứng xử đúng" đối với một chính phủ liên quan đến kiểm duyệt.
"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Facebook không nên làm người phán xét về mọi thứ mà mọi người phát biểu trên mạng" - ông Zuckerberg nói - "Nói chung, chúng tôi cho rằng các công ty tư nhân có lẽ không nên - đặc biệt là các công ty cung cấp các nền tảng như thế này, đặt mình vào vị trí phát xét như vậy".
Một tổ chức tư vấn đã cảnh báo mệnh lệnh hành chính có thể dẫn tới những hậu quả không lường trước. Và thay đổi Đạo luật về Truyền thông công chính để "áp đặt tính trung lập chính trị đối với các công ty truyền thông xã hội" có thể dẫn tới việc các nền tảng này chứa đầy "nội dung pháp lý mà họ muốn xóa" như nội dung khiêu dâm, hình ảnh bạo lực và phân biệt chủng tộc.
Điều gì châm ngòi cho tranh cãi?
Cuộc tranh cãi kéo dài giữa ông Trump và các công ty mạng xã hội lại bùng lên một lần nữa vào thứ Ba, khi hai bài đăng của ông lần đầu tiên được Twitter gắn nhãn cảnh báo xác thực thông tin.
Ông Trump đã viết mà không cung cấp bằng chứng: "Gửi phiếu bầu qua thư là trò gian lận không hơn không kém".
Twitter đã gắn nhãn cảnh báo vào bài đăng này và gắn liên kết đến một trang trong đó có nội dung khẳng định các phát biểu này là "không có căn cứ".
Sau đó vào thứ Tư, ông Trump đe dọa sẽ "điều tiết mạnh mẽ" các nền tảng truyền thông xã hội.
Ông đã viết trên Twitter cá nhân, với hơn 80 triệu người theo dõi, rằng các viên Cộng hòa cảm thấy nền tảng này "hoàn toàn im lặng trong bảo thủ" và rằng ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.
Trong một nội dung đăng tải trước đó, ông nói rằng Twitter "hoàn toàn bóp nghẹt tự do ngôn luận".
Logo nền tảng mạng xã hội Twitter hiện trên điện thoại (Ảnh: Reuters) |
Sau khi Tổng thống Trump đe dọa đóng cửa Twitter vì mạng xã hội này dán nhãn cảnh báo các bài đăng của ông, một quan chức cấp cao của Chính phủ Đức đã đề nghị công ty đưa trụ sở sang châu Âu.
“Đây là một lời mời chuyển sang Đức” - Thomas Jarzombek, Ủy viên phụ trách Công nghiệp Kỹ thuật số và Khởi nghiệp thuộc Bộ Kinh tế Đức, đã viết trên trang mạng xã hội ngày 28/5.
Sắc lệnh này có tác động gì?
Sau đây là phân tích của Anthony Zurcher – phóng viên Bắc Mỹ của BBC News:
Donald Trump đã hứa "hành động mạnh mẽ" để đáp lại quyết định của Twitter về việc gắn nhãn kiểm chứng thông tin vào hai bài đăng của ông. Trong khi thông báo của ông về một mệnh lệnh hành chính nặng tính hùng biện - cáo buộc các công ty truyền thông xã hội là độc quyền đe dọa tự do ngôn luận - sẽ còn lâu thì lời nói mới trở thành hành động thực sự, hay nói cách khác là hành động mạnh mẽ.
Các cơ quan độc lập trong chính phủ sẽ phải xem xét luật liên bang, ban hành các quy định mới, bỏ phiếu cho các luật này và sau đó - với tất cả khả năng - bảo vệ chúng tại tòa án. Khi xong hết những thứ này thì cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 có lẽ đã diễn ra và thậm chí đã kết thúc.
Điều đó giải thích tại sao ông Trump cũng đang thúc đẩy quốc hội ban hành luật mới - một cách đơn giản hơn, để thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với các công ty truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, mục đích thực sự của sắc lệnh mà Tổng thống có thể chỉ mang tính tượng trưng. Ít nhất, động thái này sẽ khiến Twitter phải suy nghĩ kỹ khi thực hiện kiểm duyệt hoặc kiểm chứng thông tin đối với các bài đăng của ông trên nền tảng này.
Tổng thống dựa vào Twitter để truyền thông điệp của mình ra ngoài mà không qua bộ lọc của báo chí chính thống. Nếu ngay cả Twitter cũng bóp chẹt công cụ truyền thông ưa thích của ông, thì có thể hiểu là ông đang truyền đi thông điệp sẽ trả đũa, và có thể ít nhất là khiến công ty này cảm thấy không thoải mái.
Lê Miên Tường
(Theo BBC News, AFP)