Theo đó, tại Hội nghị vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải khẩn trương “khơi thông” động lực tăng trưởng mới này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP
Hội nghị phát triển KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được tổ chức nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số và triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể. Muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; giáo dục và đào tạo, KHCN là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho KHCN, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động KHCN, ĐMST như đổi mới tư duy trong và phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, góp phần xoá đói giảm nghèo, đưa đất nước thoát nghèo; tập trung cho 3 đột phá chiến lược, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo đà, tạo lực, tạo thế đưa đất nước trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, rồi nhìn xa, trông rộng hơn là trở thành đất nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, những kết quả đạt được so yêu cầu phát triển và quyền hưởng thụ của người dân thì chưa được cao.
Theo đó, để KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững, tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương. Vấn đề hiện nay là là tổ chức thực hiện thế nào để hiện thực hoá mục tiêu này.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh thêm một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước hết, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với tăng trưởng cao và bền vững. “Điều này phải ngấm sâu vào tư tưởng, lời nói, hành động của từng cấp, từng ngành, từng người dân Việt Nam; lấy thành quả đã đạt được, người dân được thụ hưởng để tuyên truyền, nhất là về cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, quang điện tử”, Thủ tướng yêu cầu.
Tiếp đó, rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị; công việc này phải làm trong quý I và quý II năm 2025.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hoá, công nghiệp văn hoá, giải trí; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng phải bao trùm, toàn diện trên các lĩnh vực trên cả nước.
Đa dạng hoá các nguồn lực gồm nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và trong xã hội; nguồn hợp tác công tư, xã hội hoá; nguồn đi vay, phát hành trái phiếu Chính phủ. Muốn phát triển lĩnh vực, ngành nào thì phải có cơ chế chính sách, huy động nguồn lực để ưu tiên phát triển ngành đó.
Đẩy mạnh quản trị thông minh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi, tiên tiến nhất để “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” nhanh nhất, nhất là các lĩnh vực xác định ưu tiên…
Cũng tại Hội nghị, đại diện nhiều tập đoàn công nghệ lớn cũng cam kết cũng như “hiến kế” góp sức giúp Việt Nam thúc đẩy động lực tăng trưởng mới này.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng. Ảnh: VGP
Đặc biệt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho rằng, các “nút thắt” về thể chế ảnh hưởng đến phát triển KHCN, ĐSMT, chuyển đổi số và phát triển nhân lực phải giải quyết ngay, không để thời gian quá dài.
Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong dài hạn, các trường đại học nên có nguồn quỹ để sinh viên có cơ hội học tập ở nước ngoài, tìm hiểu cái mới, làm việc một thời gian tại nước ngoài sau đó quay về phục vụ đất nước, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong hợp tác quốc tế, cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới về Việt Nam.
Tổng Giám đốc Google Việt Nam Marc Woo. Ảnh: VGP
Với Google, Tổng Giám đốc Google Việt Nam Marc Woo cho biết, Việt Nam rất quan trọng và chúng tôi cam kết tiếp tục các chương trình kiến tạo cho Việt Nam với Google AI. Hiện AI có nhiều bước tiến và phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên để đi tắt đón đầu thì việc có được một lực lượng tri thức, lao động cũng như doanh nghiệp lành nghề, thành thạo công nghệ AI là vô cùng quan trọng. “Google mong muốn được hợp tác với Chính phủ, các tổ chức, các trường đại học để cùng phát triển nhân lực”, ông Marc Woo bày tỏ.
Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường thì góp ý, ngoài các chính sách mà Chính phủ đang thực hiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới thì việc phát triển nguồn nhân lực phát triển nhân tạo ngay tại trong nước cần được hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Cường, để đào tạo số lượng lớn và chất lượng chúng ta cần số lượng giảng viên có chất lượng cao cũng như kết hợp giữa phương pháp đào tạo tự học và giáo viên hướng dẫn; cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn…
“Tiếp theo thành công trong việc phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) năm vừa qua, NVIDIA mong muốn được phối hợp với NIC trong việc triển khai, đào tạo nguồn nhân lực cũng như đồng hành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm tiếp theo”, đại diện NVIDIA mong muốn.
Một số DN khác đề xuất thêm, Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp FDI tích cực tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, góp phần giúp Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung tâm của ngành công nghệ cao trong tương lai.