Nhà hát Cao Văn Lầu, hay còn được gọi là Nhà hát "3 nón lá", là một trong những biểu tượng kiến trúc độc đáo của Việt Nam, nổi tiếng với kỷ lục "khối nhà hình nón lá lớn nhất Việt Nam" được xác lập cách đây 10 năm. Gần đây, công trình này đã được công nhận là một điểm du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhà hát tọa lạc trên đường Hùng Vương và Cù Chính Lan, thuộc phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Với vị trí đắc địa, xung quanh là các cơ quan hành chính của tỉnh, công trình không chỉ là một địa điểm văn hóa mà còn là trung tâm hành chính quan trọng của tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, Nhà hát Cao Văn Lầu nằm trong cụm công trình nổi bật tại quảng trường Hùng Vương, cùng với tượng cây đờn kìm cách điệu. Cả hai công trình đều được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận vào tháng 4/2014, trong đó cây đờn kìm giữ kỷ lục "Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất" và Nhà hát Cao Văn Lầu là "Khối nhà hình nón lá lớn nhất".
Được xây dựng trên diện tích hơn 2.260m2, nhà hát bao gồm ba khối công trình chính: nhà hát, nhà trưng bày và nhà hội nghị. Với thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh ba chiếc nón lá chụm vào nhau, công trình này không chỉ đặc sắc về kiến trúc mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Chiếc nón lớn nhất có chiều cao 24,75m và đường kính hơn 45m, được lợp bằng tấm composite hiện đại.
Nhà hát được đặt theo tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976), tác giả của bản nhạc bất hủ "Dạ cổ hoài lang", được xem là khởi đầu của nền cải lương Nam Bộ.
Điểm nhấn kiến trúc của nhà hát là hình ảnh chiếc nón lá – biểu tượng của sự gần gũi, giản dị trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Bên trong nhà hát, du khách có thể tìm hiểu thêm về các nhạc cụ dân tộc được sử dụng trong đờn ca tài tử và hát cải lương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Khu vực xung quanh nhà hát được thiết kế với không gian xanh mát, có hồ nước trồng sen và nhiều cây xanh, tạo không gian thư giãn cho du khách. Từ nhà hát, du khách có thể nhìn thẳng ra quảng trường Hùng Vương rộng lớn, mở ra tầm nhìn thoáng đãng. Bên trong, nhà hát được trang bị sân khấu hiện đại với khán đài hàng trăm chỗ ngồi. Nơi đây thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Nam Bộ mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống.
Hình ảnh Nhà hát Cao Văn Lầu cũng đã được đưa vào logo du lịch của tỉnh Bạc Liêu với ba chiếc nón lá cách điệu màu đỏ, vàng, xanh, tượng trưng cho sự đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, bao quanh bởi hình ảnh cây đờn kìm. Đây là biểu tượng văn hóa đặc trưng của Nam Bộ, đặc biệt là của người phụ nữ miền Tây.
Nhà hát Cao Văn Lầu ngày nay đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Bạc Liêu.