Tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, ngôi chùa độc nhất vô nhị này có tên Khmer đầy đủ là Wath Sro Loun, người dân nơi đây thường gọi là chùa chùa Sà Lôn hay chùa Chén Kiểu. Đây là ngôi chùa duy nhất tại Việt Nam được ốp từ chén, đĩa, gốm sứ, hứa hẹn sẽ là công trình tôn giáo mang đến cho du khách những trải nghiệm khám phá vùng sông nước Tây Nam Bộ vô cùng đáng nhớ.
Lịch sử hình thành
Theo đó, năm 1815 chùa Sà Lôn (Chén Kiểu) được xây dựng bằng các nguyên vật liệu khai thác trong khu vực địa phương như gỗ, đất, lá cây... giống bao công trình tôn giáo Khmer khác. Thế nhưng trong thời gian diễn ra chiến tranh, dưới sự tàn phá của bom đạn, ngôi chánh điện nơi đây đã bị hư hại nặng nề. Đến tận năm 1969, chùa mới có thể tiến hành tu sửa và tôn tạo lại theo cấu trúc hiện nay gồm khu sala, chánh điện, tháp bảo và phòng để sách kinh.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến sử dụng chén, đĩa ốp lên tường. Nguồn nguyên vật liệu xây dựng đầy sáng tạo này đến từ công đức quyên góp của bà con trong phum, sóc.
Lối thiết kế đầy độc đáo góp phần mang tên tuổi chùa Chén Kiểu ra khắp các tỉnh thành.
Ở thời điểm đó, ý tưởng trang trí chùa bằng chén, đĩa giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, đây chính là phong cách thiết kế đầy ấn tượng góp phần mang tên tuổi chùa Sà Lôn vang xa khắp các tỉnh thành cả nước. Cũng từ đó, chùa được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai là chùa Chén Kiểu.
Kiến trúc độc đáo
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào chùa Sà Lôn chính là cổng tam quan với 3 tòa tháp màu sắc được chạm khắc hoa văn đầy nghệ thuật theo phong cách Angkor Campuchia đặc trưng. Trong 3 ngọn tháp, nổi bật nhất là tòa ở giữa với chiếc lồng kính nằm ở thân tháp, bên trong tôn trí pho tượng Phật ngồi vô cùng uy nghi. Tường rào bao quanh chùa được trang trí hình tượng tiên nữ thần Apsara đang múa biểu trưng cho hòa bình, thịnh vượng cùng. Ngoài ra, còn có 2 tượng sư tử đá ngồi trước cổng bảo vệ chùa đầy uy nghiêm.
Những bức tường được trang trí hoa văn vô cùng độc đáo, thú vị.
Tản bộ dọc theo lối dẫn vào chùa, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 2 hàng tượng thần Kâyno (Kerno) có khuôn mặt tiên nữ Apsara và thân hình chim thần Garuda biểu trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng và sức mạnh.
Phù điêu nữ thần Kâyno dưới mái chùa.
Không dừng lại ở đó, ngôi chùa còn sở hữu bức tượng Phật lớn cùng cột cờ hình rắn thần Naga xòe 5 đầu... nằm trong khuôn viên có nhiều cây xanh mát mắt. Hay ngay phía sau công trình tôn giáo còn bố trí thêm khu vườn của Phật Thích Ca, đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều bức tượng lớn nhỏ mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ, giảng đạo cho đến khi nhập cõi niết bàn của đức Phật. Tất cả đều cho thấy được kiến thức giáo lý cùng tâm huyết của các vị sư và đội ngũ xây dựng dành cho chùa Sà Lôn.
Chùa Sà Lôn sở hữu bức tượng Phật nằm đầy uy nghi, ấn tượng.
Khuôn viên rộng rãi nhiều cây xanh.
Hạng mục đặc sắc nhất của một công trình tôn giáo chắc chắn là ngôi chánh điện, chùa Sà Lôn cũng không ngoại lệ. Khu chánh điện nơi đây có phần mái trên hình tam giác được trang trí như một tấm thảm nhiều màu sắc cực kì hút mắt. Hai đầu đao bên cạnh có lối thiết kế cong vút lên không trung như đang hướng về trời cao và thể hiện sự giao cảm tâm linh với trời đất.
Mặt tiền chánh điện.
Giữa sân là cột cờ cao vút.
Nếu muốn chiêm ngưỡng rõ nét lối thiết kế sử dụng chén, đĩa của ngôi chùa thì cột tháp tại chánh điện chính là nơi mà bạn có thể dễ dàng nhìn bao quát và cảm nhận trọn vẹn phong cách trang trí này.
Những tưởng các mảnh vụn chén đĩa khi ghép với nhau sẽ mang đến tổng thể rối mắt, thế nhưng tất cả chúng lại tạo nên tuyệt tác nghệ thuật vô cùng ấn tượng, hài hòa.
Ngày nay, chùa Sà Lôn được biết đến như công trình tôn giáo đẹp mắt đồng thời là tác phẩm sáng tạo đầy ấn tượng mà du khách không nên bỏ qua trong hành trình du lịch khám phá vùng sông nước Tây Nam Bộ.