Khai mạc Hội hoa Xuân và các sản phẩm OCOP vùng miền Xuân Ất Tỵ 2025

(CL&CS)- Tối 16/1, tại không gian Văn hóa Sáng tạo quận Tây Hồ (Hà Nội), Hội hoa Xuân và các sản phẩm OCOP vùng miền Xuân Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc.

Đây là hoạt động nhằm quảng bá sản phẩm OCOP, bảo tồn làng nghề truyền thống và thúc đẩy kết nối giao thương.

Hội hoa Xuân năm nay giới thiệu các sản phẩm đặc trưng như: đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng, bánh Bảo Phương và giấy Dó phường Bưởi. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, nông sản hữu cơ, thực phẩm chế biến, và thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề Hà Nội cũng được trưng bày.

Nghi thức nhấn nút khai mạc Hội hoa Xuân và các sản phẩm OCOP vùng miền Xuân Ất Tỵ 2025

Không gian sự kiện được thiết kế mở, gần gũi với thiên nhiên, kết hợp tiểu cảnh nông nghiệp, mô hình Khuê Văn Các, nhà cổ truyền thống, phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi và mua sắm của Nhân dân, du khách.

Điểm nhấn của Hội hoa Xuân là Hội thi Tinh hoa nghệ thuật quất cảnh, đào cảnh, với sự tham gia của gần 100 nhà vườn. Các tác phẩm dự thi không chỉ thể hiện tính nghệ thuật mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của làng nghề truyền thống sau những thách thức từ thiên tai.

Năm nay, quận Tây Hồ vinh dự đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề trồng đào Nhật Tân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề trồng đào tại Nhật Tân đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, trở thành biểu tượng của sự may mắn, khởi đầu tốt đẹp trong dịp Tết cổ truyền.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu khai mạc Hội hoa Xuân.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh: “Hội hoa Xuân và các sản phẩm OCOP vùng miền không chỉ là sự kiện xúc tiến thương mại mà còn là dịp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm đặc trưng của quận Tây Hồ và các vùng miền trên cả nước. Đây là minh chứng cho sự đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực vượt khó của Nhân dân và chính quyền địa phương.”

Hội hoa Xuân không chỉ mang lại không gian mua sắm, vui chơi cho người dân Thủ đô mà còn là cơ hội để các làng nghề, doanh nghiệp khẳng định thương hiệu. Sự kiện góp phần lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Sự kiện kéo dài đến ngày 20/1, với quy mô hơn 7.000m², 90 gian hàng cùng sự tham gia của 100 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu từ các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

TIN LIÊN QUAN