Kết hợp phương pháp Lean và công nghệ để tăng năng suất trong ngành may công nghiệp

(CL&CS)- Một trong những hướng đi để thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng là áp dụng kết hợp phương pháp Lean và công nghệ trong các doanh nghiệp may.

Các thành quả của ứng dụng phương pháp Lean trong các doanh nghiệp may công nghiệp đã được chứng minh là giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất khoảng 15-20% so với trước. Mặc dù đã đạt được các thành công như vậy nhưng các doanh nghiệp may vẫn luôn tìm cách tiết giảm chi phí sản xuất nhiều hơn để nâng cao năng suất chất lượng và một trong những hướng đi để thực hiện mục tiêu này là áp dụng kết hợp phương pháp Lean và những thành quả của công nghiệp 4.0 trong các doanh nghiệp may.

Để tạo ra tính mềm dẻo cao khi chuyển đổi mã hàng thì có thể ứng dụng kỹ thuật số trong công nghiệp 4.0 như sau: Việc sử dụng cảm biến và phần mềm trong công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sản phẩm khi áp dụng Lean được thực hiện hiệu quả hơn. Lý do là khi sử dụng phần mềm và cảm biến mới sẽ cho phép máy móc tự động nhận dạng sản phẩm và nạp chương trình cũng như công cụ phù hợp để chế tạo sản phẩm mà không cần có sự can thiệp của con người. Chính vì vậy, việc chuẩn bị thiết bị và dụng cụ để chuyển đổi mã hàng được tự động hóa, người vận hành chỉ phải tập trung vào những công việc tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng.

Trong doanh nghiệp may, nếu như bán thành phẩm được gắn các thẻ sử dụng công nghệ RFID thì các thiết bị may kỹ  thuật số trong dây chuyền hoàn toàn có thể nhận dạng bán thành phẩm sắp vào chuyền về tính chất nguyên liệu, tính chất của chỉ…để tự động điều chỉnh thiết bị theo yêu cầu may mà không cần có sự can thiệp của kỹ  thuật viên cơ điện để chỉnh máy.

Việc sử dụng các thuật toán dự báo trong công nghiệp 4.0 giúp cho quá trình bảo trì thiết bị được thực hiện tự động, giảm thời gian sửa chữa thiết bị, giúp nâng cao năng suất  lao động. Trong công nghệ Lean thường sử dụng phương pháp bảo trì dự phòng để nâng cao hiệu suất thiết bị. Quá trình bảo trì dự phòng này sẽ được nâng cao hiệu suất khi chuyển thành bảo trì tự động nhờ ứng dụng thuật toán phân tích tiên tiến và máy móc có khả năng tự học.

Bên cạnh đó, việc bảo trì nhờ dữ liệu lớn và kỹ thuật phân tích tổng thể trong công nghiệp 4.0 như trên đã nâng cao tính minh bạch của quá trình bảo trì, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu suất của các công cụ trong lean cũng như thúc đẩy quá trình cải tiến liên tục.

Chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt hơn nhờ ứng dụng hệ thống cảm biến theo thời gian thực và trí tuệ nhân tạo: Kiểm soát  chất lượng được định hướng theo dữ liệu thu thập sẽ trợ giúp cho quá trình tự kiểm  tra. Trong Lean đã áp  dụng nhiều công cụ để giảm tỷ lệ lỗi và tăng tốc độ dò lỗi, tuy vậy cũng chỉ giúp giảm được khoảng 50%-70% số sản phẩm khuyết tật. Nếu muốn giảm tỷ lệ khuyết tật gần về 0% thì phải trợ giúp cho quá trình tự kiểm tra bằng việc sử dụng cách tiếp cận phân tích dữ liệu định hướng để xác định nguyên nhân gốc rễ của lỗi tạo ra. Công nghiệp 4.0 sẽ trợ giúp cho quá trình này bằng cách cung cấp dữ liệu theo bối cảnh thực và khả năng theo vết sản phẩm một cách chi tiết. Hệ thống camera dò khuyết tập bề mặt được kết  nối với hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp phân tích chi tiết  về lỗi bề mặt, tạo báo cáo tự động về lỗi, giúp giảm tỷ lệ lỗi một cách đáng kể.

An toàn lao động sẽ được nâng cao nhờ ứng dụng cảm biến môi trường. Việc sử dụng cảm biến và ứng dụng đào tạo trong môi trường thực tế ảo giúp cải thiện môi trường làm việc. Thay vì việc dùng các ký hiệu cảnh báo hay cảnh báo các khu vực thường xảy ra tai nạn một cách thụ động thì doanh nghiệp có thể lắp các cảm biến vào công cụ bảo hộ cho người vận hành để cảnh báo những khu vực nguy hiểm cho người lao động. Việc này tạo ra các cảnh báo chủ động bằng đèn hay còi khi người lao động tiến gần đến khu vực nguy hiểm, giúp giảm đáng kể các tai nạn lao động do lỗi của con người.

Công ty Esquel Việt Nam đã kết hợp phương pháp Lean và công nghệ để tăng năng suất

Công ty Esquel Việt Nam (Tập đoàn Esquel) là doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng phương pháp Lean trong ngành dệt may ở Việt Nam. Theo Lãnh đạo công ty, trong sản xuất, phương thức sản xuất tinh gọn chính là “chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp phát triển trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay.

Việc áp dụng Lean giúp công ty loại bỏ được 7 lãng phí, bao gồm: sản xuất thừa, hàng tồn, chờ đợi, thao tác thừa, di chuyển thừa, hàng lỗi và công đoạn thừa. Phương pháp này đã tạo ra hiệu quả rất tích cực, giúp sản lượng lao động tăng gấp đôi so với trước, từ 40.000 tăng lên 80.000 tá hàng/tháng. 

Cùng với áp dụng phương pháp Lean, Công ty này cũng ứng dụng máy móc tự động hóa vào sản xuất hàng may mặc để nâng cao năng suất chất lượng. Được biết, hiện Công ty đã chuyên môn hóa tự động được nhiều công đoạn trong quy trình dệt may như: tự động trộn và bơm thuốc nhuộm, giúp công nhân không cần phải tiếp xúc với hóa chất, đảm bảo môi trường luôn sạch sẽ, thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ 4.0 để điều khiển xử lý hệ thống nước thải từ xa; đầu tư dây chuyền thiết bị tự động và bán tự động đối với các khâu như gập, làm phẳng vải, cắt vải, may và in, thêu, dập nút tự động…

Lãnh đạo Công ty Esquel Việt Nam cho biết để phát triển lâu dài và bền vững, công ty rất chú trọng đến vấn đề đổi mới công nghệ; áp dụng những phương pháp sản xuất tiên tiến; máy móc, thiết bị hiện đại và các công cụ hỗ trợ để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm.

TIN LIÊN QUAN