Indonesia sắp đối diện với đợt dịch COVID-19 mới?

(CL&CS) - Có vẻ như Indonesia đã bước qua đỉnh dịch COVID-19 hồi tháng 7. Ở thời điểm đó, cứ ba ca xét nghiệm sẽ có một ca dương tính, tương ứng tỉ lệ 33%. Tỉ lệ này hiện giảm xuống mức bình quân 3,64%.

Đó là mức thấp nhất từng được ghi nhận ở Indonesia kể từ khi dịch bùng phát, nằm dưới ngưỡng tiêu chuẩn 5% mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra để xác định một quốc gia kiểm soát thành công dịch hay không.

Tại Indonesia, số ca mắc kỷ lục trong ngày 15/7 khoảng 56.757. Các bệnh viện trên đảo Java, nơi tập trung phần lớn dân số Indonesia, rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân. Nhưng đến ngày 15/9, con số này chỉ còn 3.948 ca. Số ca tử vong cũng giảm tương ứng, từ hơn 2.000 ca/ngày trong tháng 7, xuống còn 267 ca trong ngày 15/9. Giáo sư Gusti Ngurah Mahardika, chuyên gia virus học hàng đầu tại Đại học Udayana ở Bali, nhìn nhận: “Làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Indonesia dường như đã lùi vào quá khứ”.

Đợt dịch COVID-19 mới sẽ bùng phát ở Indonesia? (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, ẩn sau thông tin tích cực đó vẫn còn một số điểm đáng lo ngại. Đầu tiên là mức độ đáng tin cậy của thông tin về xét nghiệm và truy vết. Theo ông Mahardika, với mỗi ca mắc COVID-19, Indonesia thường chỉ truy vết dưới 5 tiếp xúc gần (F1). Trong khi theo khuyến nghị của WHO, con số này phải tối thiểu là 15, nhưng không nên vượt quá 30.

Ông Mahardika cũng lên tiếng chỉ trích việc chính phủ thiên về sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên “dưới chuẩn” thay cho “xét nghiệm tiêu chuẩn vàng” PCR. Nếu tất cả được thực hiện xét nghiệm PCR, con số có thể đã cao hơn.

Là “quốc gia vạn đảo”, việc tiêm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cho hơn 270 triệu dân ở Indonesia chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Hiện mới chỉ có khoảng 20% trong tổng số 181,5 triệu dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ hai liều vaccine và khoảng 35% tiêm ít nhất một mũi. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu Indonesia sắp phải đối diện với một làn sóng lây nhiễm thứ 3 hiển hiện ở phía trước?

Dựa trên mô hình dự đoán cho rằng COVID-19 sẽ lập đỉnh sau mỗi 6 tháng, giáo sư Mahardika cho rằng làn sóng kế tiếp có thể sẽ xuất hiện vào tháng 1/2022. Theo ông, vấn đề không phải là lây nhiễm tái bùng nổ hay không, mà là vaccine có hiệu quả trong việc kiểm soát ca bệnh nặng và tử vong hay không?

TIN LIÊN QUAN