Vào cuối tháng 1 năm nay, UBND huyện Củ Chi (TP. HCM) đã tổ chức lễ khai mạc Ngày hội văn hoá - ẩm thực và du lịch "Hương sắc vùng đất thép" lần II, hội hoa xuân và chợ hoa tết Giáp Thìn 2024. Ngày hội diễn ra trong 10 ngày, từ 20 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp, với nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản, hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn huyện…
Tại đây, Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings đã công bố quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam đối với 100 món ăn chế biến từ khoai mì Củ Chi.
Theo Người lao động, Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết sự kiện nhằm quảng bá văn hoá, ẩm thực, du lịch của huyện Củ Chi đến với người dân thành phố. Song song đó, chăm lo đời sống và mang sắc xuân đến với mọi người dân trên địa bàn huyện.
Nằm về phía tây bắc TP. HCM, huyện Củ Chi cách trung tâm thành phố khoảng 33km. Sông Sài Gòn chảy qua phía đông huyện, tạo thành một đoạn ranh giới giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương.
Với vị trí chiến lược, Củ Chi đóng nhiều vai trò quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, Củ Chi đóng vai trò là vành đai Tây Bắc, là cứ điểm quan trọng và là căn cứ địa vững chắc của Khu uỷ, Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Sau cuộc kháng chiến, Củ Chi có 35.000 gia đình chính sách; 2.128 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và hơn 10.000 liệt sĩ.
Khu di tích cách mạng địa đạo Củ Chi tại xã Phú Mỹ Hưng và xã Nhuận Đức đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1979 và năm 2004. Trước đó, năm 1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương và trao tặng huyện Củ Chi danh hiệu "Đất Thép Thành Đồng" và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Ba.
Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng thế giới với hệ thống địa đạo Củ Chi. Đây là hệ thống đường hầm phòng thủ trong lòng đất do dân quân huyện Củ Chi đào trong vòng 22 năm, từ năm 1946-1968 bằng các dụng cụ thô sơ. Dù vậy, công trình lại được thiết kế thành hệ thống khoa học, góp phần vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là địa danh thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá trong sự bất ngờ xen lẫn thán phục.
Tháng 7/2023, kênh CNN của Mỹ đã đăng tải danh sách “Những đường hầm kỳ thú nhất thế giới", trong đó có sự xuất hiện của địa đạo Củ Chi của Việt Nam.
Nơi này còn được gọi là "thành phố dưới lòng đất" và được miêu tả là một "kỳ quan" đặc biệt "có 1 không 2" của Việt Nam. Ban đầu, địa đạo chỉ là những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí, che giấu lực lượng kháng chiến, liên lạc, hỗ trợ thông tin. Mỗi làng làm một địa đạo riêng, về sau do nhu cầu đi lại, liên lạc giữa các làng xã, hệ thống hầm đã được nối liền nhau tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp.
Đến năm 1965, đã có khoảng 200km địa đạo được đào và 500km chiến hào giao thông xung quanh. Địa đạo lúc này đã được định hình một cách bài bản và khoa học với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6m, tầng dưới cùng sâu 8-12m với nhiều đường hầm lớn nhỏ, nhiều khu vực được phân chia tùy theo chức năng khác nhau, như phòng ăn, phòng họp, phòng cứu thương, phòng chiếu phim, giếng nước nhà bếp với loại bếp Hoàng Cầm (bếp nấu giấu khói), lối thoát hiểm thông ra sông Sài Gòn… cùng với hệ thống thông hơi lên mặt đất được ngụy trang một cách bí mật và khoa học.
Địa đạo Củ Chi đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến, nhiều trận đánh lớn như Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất Đất nước…
Sau khi chiến tranh kết thúc, địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2015, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Đến năm 2016, đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Dự kiến đến năm 2027, UBND TP.HCM sẽ hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và danh mục Di sản thế giới.