Huy động sức mạnh của báo chí trong truyền thông chính sách

Báo chí, truyền thông là kênh quan trọng hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách. Tuy nhiên, làm sao tăng cường và bảo đảm nguồn lực để báo chí, truyền thông ngày càng thực hiện tốt sứ mệnh này?

Thách thức và cơ hội

Với sự tiến bộ và phổ biến của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông, xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng. Mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Trong xu thế này, vai trò của báo chí, truyền thống bị thách thức không ngừng, đồng thời cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn. 

Hội thảo khoa học quốc tế "Nguồn lực cho truyền thông chính sách" sáng 1.11 đặt ra vấn đề bảo đảm nguồn lực cho truyền thông chính sách

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế "Nguồn lực cho truyền thông chính sách" sáng 1.11, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa nhìn nhận: Chính phủ quyết định và thực hiện các chính sách khác nhau để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Khi xã hội ngày càng phát triển và các thành phần trong xã hội trở nên đa dạng hơn, mức độ tiếp nhận của các chủ thể chính sách sẽ quyết định thành công hay thất bại trong các chính sách của chính phủ. 

"Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội và thông tin được truyền đi một cách rời rạc thì báo chí cung cấp thông tin đáng tin cậy, tạo nền tảng cho thảo luận xã hội thông qua việc cung cấp chính xác và phân tích chuyên nghiệp về sự việc. Tầm quan trọng của báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách quan trọng hơn bao giờ hết", ông Lee Byung Hwa nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS Phạm Minh Sơn chỉ ra lợi thế của báo chí truyền thông Việt Nam trong truyền thông chính sách. Đó là tại Việt Nam, các cơ quan báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Khác với nhiều quốc gia, nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, vì Nhân dân phục vụ.

"Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tổ chức lực lượng truyền thông chính sách, bào đảm định hướng của công tác tuyên truyền, báo chí và truyền thông chính sách. Các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc tổ chức truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan báo chí đóng vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xây dựng diễn đàn cho công tác truyền thông chính sách", Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền PGS.TS Phạm Minh Sơn nói.

Nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hiện nay đa phần báo chí, truyền thông dừng lại ở câu chuyện đưa tin về chính sách. Điều này làm cho công chúng mới chỉ tiếp nhận được một phần thông tin, chưa tác động nhiều vào chiều sâu để nhân dân hiểu kỹ, nắm vững và làm theo các chính sách công vốn được ban hành rất nhiều trong công tác quản lý, điều hành của Nhà nước nói chung.

Theo các chuyên gia, để truyền thông chính sách đạt hiệu quả, vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, nguồn lực cho truyền thông chính sách phải được đặt trong tổng thể của quá trình truyền thông, cả nguồn lực vật chất lẫn nguồn lực tinh thần, cả ở tất cả các khâu, trước, trong và sau quá trình truyền thông chính sách.

Các cơ quan báo chí đóng vai trò chủ lực trong truyền thông chính sách

Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn nhìn nhận nguồn lực ấy phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm... mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra những động lực, nguồn lực to lớn khác trong thực thi chính sách.

Chiến lược dù tốt, kế hoạch dù hay nhưng nếu không có nguồn lực bảo đảm thì khó trở thành thực tế. Nhận định như vậy, PGS.TS Phạm Minh Sơn phân tích nguồn lực cho truyền thông chính sách bao gồm nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nhận diện và thúc đẩy hai dòng nguồn lực này là cách để tăng cường truyền thông chính sách một cách hiệu quả, bền vững. 

Thực tiễn năm 2023 đánh dấu sự chuyển dịch rõ nét về nhận thức, tư duy và hoạt động truyền thông chính sách. Đặc biệt, Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21.3 vừa qua về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách đã tạo ra sự chuyển động trong nhận thức và mối quan tâm của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí - truyền thông.

Từ quyết tâm chính trị, cần hơn nữa quyết tâm của các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình; tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan báo chí - truyền thông trong tổ chức công tác truyền thông chính sách.

Song song với đó, nguồn lực vật chất cho công tác truyền thông chính sách bao gồm chính sách về truyền thông; đội ngũ nhà báo, nhà truyền thông chính sách; công nghệ truyền thông chính sách; ngân sách dành cho truyền thông chính sách... 

"Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực cho truyền thông chính sách là vấn đề lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp tổ chức triển khai công tác truyền thông chính sách ở các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Nếu thiếu các nguồn lực vật chất quan trọng này thì dù quyết tâm có cao, mong muốn có lớn nhưng làm gì cũng khó", PGS.TS Phạm Minh Sơn nhận định.

Thái Minh ( Đại biểu Nhân dân)