Cụ thể, ngày 22/3/2022 được Liên Hợp quốc lấy là Ngày nước thế giới và phát động với chủ đề là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm; thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.
Vì môi trường sống bền vững
Ngày khí tượng thế giới là ngày 23/3/2022 được Tổ chức Khí tượng thế giới phát động với chủ đề “Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.
Thông điệp này nhấn mạnh vai trò công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm, đồng thời cần phải phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương. Đây là điều kiện tiên quyết nhằm phòng, chống hiệu quả với thiên tai, góp phần bảo vệ sinh mạng, sinh kế cho người dân, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Vì môi trường sống bền vững, nhằm hưởng ứng chuỗi sự kiện quan trọng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp chủ đề Ngày nước thế giới, Ngày khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022.
Điển hình là các hoạt động treo pano, băng rôn, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp. Tổ chức các hội thảo, toạ đàm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức trực tuyến, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về giá trị của nước ngầm, thời tiết và khí hậu, công tác dự báo và cảnh báo phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, năng lượng tái tạo nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh.
Thiết thực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giờ Trái đất năm 2022 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Kiến tạo Tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ”, mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về vai trò quan trọng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học trên toàn cầu.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải mê-tan toàn cầu đến năm 2030, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia nhiều sáng kiến khác. Cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 để khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm cao của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 26/3/2022 (Thứ Bảy).
Bộ Công thương cũng cho biết, mới đây, bộ đã có văn bản đề nghị các đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2022.
Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm thu hút người dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tham gia; đồng thời vận động các nhóm đối tượng trên thực hiện tắt các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện tắt đèn.
Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo tổng công ty, công ty điện các tỉnh, thành phố phối hợp tuyên truyền tại các điểm giao dịch, trụ sở của các đơn vị; đồng thời vận động các cá nhân, cơ quan, khách hàng thực hiện hoạt động tắt các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian diễn ra Sự kiện. Các đơn vị trực thuộc EVN có trách nhiệm đảm bảo an toàn lưới điện trong thời gian trên.
Các đơn vị phối hợp treo băng rôn khẩu hiệu, tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo hình thức trực tuyến qua website, fanpage, ấn phẩm truyền thông, phát thanh, truyền hình, không tổ chức sự kiện tập trung đông người nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh. Các hoạt động truyền thông hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất cũng sẽ được tăng cường trên hệ thống kênh thông tin của Chương trình VNEEP tại website và fanpage