Hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam tới năm 2030

(CL&CS) - Mới đây, tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam tới năm 2030” được diễn ra tại Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, các chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế, nhằm thảo luận và đề xuất các giải pháp chính sách thuế hiệu quả để giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%

Theo nhiều nghiên cứu và thống kê, thuốc lá gây ra nhiều tác hại với sức khỏe con người và hệ lụy cho xã hội. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra, tiêu tốn khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).

Các đại biểu tham dự tọa đàm 

Để giảm tác hại của thuốc lá đối với đời sống xã hội, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều thách thức trong đó có thách thức về thay đổi chính sách Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.

 Đồng thời, yêu cầu: “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)” và giao Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược”.

Chương trình Tọa đàm được tổ chức thành 02 phiên Thảo luận gồm“Tác hại của thuốc lá, các thách thức trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến 2030” ; “Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị với Việt Nam để đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến 2030”.

Không tăng thuế thuốc lá đột ngột để tránh hệ lụy

Tại chương trình đã có những bài tham luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu. Dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh rằng việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cần được thực hiện từ từ để tránh những tác động tiêu cực đến ngân sách nhà nước, an sinh xã hội và cuộc chiến chống thuốc lá nhập lậu.

Các đại biểu cùng có những bài tham luận, phát biểu ý kiến

Tại Việt Nam, thuốc lá không phải là sản phẩm cấm và chỉ ở mức hạn chế. Vì vậy, ông Cường lưu ý Việt Nam cần có ứng xử rất mềm dẻo, cân nhắc các tác động của sự thay đổi chính sách thuế lên cả chuỗi sản xuất của thuốc lá, đặc biệt là người nông dân và các bên liên quan tại vùng nguyên liệu. Do đó, theo ông Cường, khi tính đến các phương án đánh thuế phải xem xét luôn các phương án chuyển dịch hoạt động sản xuất làm sao để người dân vẫn có được sinh kế tốt và không ảnh hưởng tiêu cực đến bình ổn chung của đời sống kinh tế - xã hội. “Khi đó cải cách thuế của chúng ta mới đạt được mục tiêu”, ông nói.

Về mục tiêu tăng thu ngân sách, ông Cường nêu rõ quan điểm, tăng thu ngân sách không phải là mục tiêu chính nhưng khi tăng thuế phải đạt được nguyên lý đó. Nếu việc tăng thuế làm cho sản lượng thuốc lá hợp pháp bán ra ít đi thì số thuế thu vào sẽ giảm, cho nên phải tính toán cân nhắc kỹ. Buôn lậu thuốc lá hiện vẫn là vấn đề phức tạp tại Việt Nam khi nước ta có đường biên giới dài giáp ranh với nhiều quốc gia láng giềng. Vì thế, ông Cường nhấn mạnh việc đánh giá tác động của việc tăng thuế TTĐB cần xem xét kĩ tình trạng nhập lậu thuốc lá vì khi tăng thuế bao giờ cũng kéo theo tăng buôn lậu. Ông Cường cũng dự đoán với mức tăng thuế đột ngột sẽ thất thu thuế là 15-17 nghìn tỷ đồng do buôn lậu.

Đồng quan điểm, đại biểu Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc, cũng cho rằng không nên tăng đột ngột thuế TTĐB đối với thuốc lá nhằm tránh những hậu quả tiêu cực. Việc tăng thuế cao có thể làm gia tăng buôn lậu thuốc lá, đặc biệt khi Việt Nam có đường biên giới dài và dễ bị lợi dụng cho các hoạt động buôn lậu. 

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10/2024. Trong đó, ban soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án. Phương án 1 sẽ bổ sung  2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Hai phương án này dù được đánh giá là bước đi đúng hướng, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. 

Tăng thuế là biện pháp hiệu quả để giảm tác hại của thuốc lá

Theo Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), chia sẻ những xu hướng áp thuế tiêu thụ đặc biệt của các quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam. Cụ thể, một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới Việt Nam (tới trên 40%) là do giá thuốc lá cực kỳ rẻ, và nguyên nhân là vì thuế rất thấp. Và khi thu nhập tăng lên nhưng giá thuốc lá thì không theo kịp, và theo thời gian giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ mua hơn. Giá cả và thuế thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, xu hướng quốc tế là hướng tới mức thuế thuốc lá ngày càng cao hơn. 

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm

Ngoài ra, Bà Angela Pratt cho biết, trên thế giới, khoảng 60 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người, hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ, phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ. Những quốc gia này đã làm cho giá thuốc lá ngày càng đắt đỏ, khó mua hơn – qua đó đã dẫn đến những cải thiện lớn về giảm tỷ lệ hút thuốc trong một thời gian tương đối ngắn. Tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Đây cũng là biện pháp được đề xuất trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá, một hiệp ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 2004.  

Tại Philippines, trong giai đoạn từ 2012 tới 2022 việc tăng thuế thuốc lá đã giúp giảm 30% tỷ lệ hút thuốc; đồng thời trong cùng thời kỳ này, thu thuế thuốc lá của chính phủ đã tăng đáng kể - từ 680 triệu đô la Mỹ lên 2,9 tỷ đô la Mỹ. Tóm lại, việc tăng thuế thuốc lá đang ngày càng được sử dụng trên toàn thế giới để ngăn ngừa bệnh tật và cải thiện sức khỏe, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách để dành cho các ưu tiên của chính phủ.

Thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững tại Việt Nam

Theo Trưởng đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, bản khuyến nghị chính sách mới bao gồm các chi tiết về việc sử dụng mô hình mô phỏng tác động thuế thuốc lá của WHO để dự đoán các phương án tăng thuế thuốc lá sẽ có tác động như thế nào tới giá thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc và doanh thu thuế thuốc lá của Chính phủ.

Kết quả từ mô hình cho thấy các phương án thuế thuốc lá được công bố của Bộ Tài chính là những bước đi đúng hướng, nhưng chúng ta cần tăng thuế cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu giảm hút thuốc của quốc gia và bảo vệ sự phát triển kinh tế của đất nước trong dài hạn. 

Bà Angela Pratt thông tin, mô hình của chúng tôi cho thấy mức việc áp thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt 15.000 đồng mỗi gói vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% (vào năm 2030), là mức sẽ đạt mục tiêu quốc gia về giảm hút thuốc. Điều này cũng sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế hàng năm, và mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm vào năm 2030, so với năm 2020. 

Giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức này sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do tỷ lệ sử dụng thuốc lá gây ra. Hiện tại ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra tổn thất lên tới - khoảng 108 nghìn tỷ đồng hoặc 1,14% GDP hàng năm. Đây là những chi phí mà lẽ ra có thể tránh được. Các tổn thất này nếu không được ngăn ngừa, sẽ gây thiệt hại cho sự thịnh vượng hiện tại và tương lai của Việt Nam. Về điểm này, điều đáng chú ý là những người trẻ tuổi nhạy cảm nhất với việc tăng giá. Tăng thuế thuốc lá có thể ngăn họ bắt đầu hút thuốc và việc này giống như tiêm vắc-xin để bảo vệ họ suốt đời- bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ đã trưởng thành. 

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cần có sự hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp - người dân trong việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá. Tăng thuế cao hơn giúp đạt mục tiêu Chiến lược nhưng cũng sẽ tác động đến doanh nghiệp nhưng nếu không tăng thuế đủ mạnh thì không giảm được tỷ lệ người sử dụng thuốc lá. Lựa chọn mục tiêu nào và phương án chính sách phù hợp trong giai đoạn hiện nay. 

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong Kỳ họp tháng 10/2024 và xem xét thông qua vào tháng 5/2025. Ý kiến của các diễn giả, chuyên gia trong Chương trình Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” do Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức sẽ là nguồn thông tin hết sức hữu ích với các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình hoàn thiện và xem xét thông qua dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong thời gian tới.

​Vì thế, Việt Nam cần cân nhắc lộ trình tăng thuế phù hợp để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm thiểu tối đa cơ hội cho buôn lậu thuốc lá tăng mạnh, dẫn đến thu ngân sách không tăng như kỳ vọng và tỷ lệ giảm sử dụng thuốc lá lại không như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Chính sách thuế cần được điều chỉnh hợp lý để làm giảm động lực của những người buôn lậu đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

TIN LIÊN QUAN

Chống lãng phí

14/10/2024 14:15