Gameshow phát sóng một cách dày đặc trên sóng truyền hình trong suốt một thời gian dài và kết cục dẫn đến tình trạng bão hòa không thể tiếp tục thu hút được khán giả. Các nhà sản xuất đã nghĩ ra “chiêu thức” mới để lôi kéo người xem là tổ chức các cuộc thi dành cho thiếu nhi.
"Ai thông minh hơn học sinh lớp 5" là chương trình được nhiều khán giả yêu thích. (Ảnh:Dongtay.com). |
Người lớn thi gì - trẻ em thi đó
Điều đáng nói ở đây là các gameshow này lấy gần như trọn vẹn format của chương trình dành cho người lớn sau đó thêm từ “nhí” vào để thành tên chương trình dành cho thiếu nhi. Có thể kể đến như Giọng hát Việt nhí, Ai sẽ thành sao nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí…
Không thể phủ nhận, sau khi tham gia những chương trình này các em thiếu nhi sẽ được đào tạo và phát triển tài năng một cách bài bản. Ngược lại, các nhà sản xuất cũng có nhiều lợi ích về mặt kinh tế khi thu hút được nhiều nhà tài trợ, bởi lượng rating của các chương trình thiếu nhi thường rất cao.
Điều đáng nói ở đây, chính vì đặt mục tiêu thương mại quá cao nên các chương trình đã không ngần ngại khai thác mọi yếu tố để có thể thu hút sự quan tâm của khán giả nhất là yếu tố về đời tư, cuộc sống của các bé. Bên cạnh đó, có nhiều chương trình lại đòi hỏi các bé khá cao như vừa ca hát vừa kết hợp vũ đạo rồi có cả diễn xuất. Đây là một chuyện hết sức vô lý, bởi đôi khi chính ban giám khảo cũng chỉ là người có thế mạnh trong một lĩnh vực.
Gameshow giải trí dễ nhận được tài trợ vì có sự tham gia của các ngôi sao. (Ảnh: VietQ.vn). |
Vắng bóng gameshow mang tính giáo dục
Mặc dù gameshow dành cho thiếu nhi phát sóng rất nhiều nhưng để tìm thấy một gameshow mang tính chất giáo dục, tìm hiểu về các kiến thức khoa học thì gần như không có. Nhớ lại trước đó vài năm, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 , Rồng Vàng, Chinh phục, Trẻ em luôn đúng… là những sân chơi trí tuệ, các em được thỏa sức sáng tạo, tư duy, định hướng phát triển bản thân nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả đều đã “biến mất” khỏi sóng truyền hình.
Nói về giải thưởng cũng là một sự chênh lệch, nhất là ở các giải quán quân: Tuyệt đỉnh song ca nhí là 300 triệu đồng, Giọng hát Việt nhí hơn 1 tỷ đồng, Bước nhảy hoàn vũ nhí 150 triệu đồng cùng với nhiều phần quà từ nhà tài trợ. Trong khi đó, chương trình “Trẻ em luôn đúng” nếu đội trẻ em vượt qua đội người lớn thì cả đội sẽ nhận được giải thưởng cao nhất là 90 triệu đồng, riêng “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” thì phần thưởng chỉ dành cho người tham gia chính là một người lớn. “Nhỉnh” hơn một chút thì có chương trình “Chinh phục” với tổng trị giá giải thưởng sau nhiều vòng chiến thắng là 1,5 tỷ đồng.
Với sự chênh lệch như vậy thì cũng dễ dàng để nhận thấy kinh phí đầu tư vào một chương trình mang tính chất giáo dục thấp hơn rất nhiều so với một chương trình giải trí. Lý do rất đơn giản, với các cuộc thi tìm kiếm tài năng ban tổ chức sẽ dễ dàng mời các ngôi sao tên tuổi tham gia và thu hút được các nhà tài trợ. Còn chương trình giáo dục thì lại không thể mời các ngôi sao giải trí vì không phù hợp nên khó kiếm tài trợ nên các nhà sản xuất cũng không còn thiết tha.
"Trẻ em luôn đúng" là cuộc chiến đối đầu giữa người lớn và trẻ em. (Ảnh:Doisongphapluat.com). |
Những điều cần suy nghĩ
Thật ra, việc so sánh giữa gameshow giải trí và gameshow giáo dục tương đối khập khiễng bởi tính chất của cả hai hoàn toàn khác nhau và dù muốn thành công trong lĩnh vực nào cũng cần phải cố gắng học hỏi không ngừng.
Điều mà chúng ta đang nói ở đây đó chính là sự mất cân bằng trong việc đầu tư cho thế hệ trẻ. Không chỉ các nhà sản xuất, các nhà tài trợ mà ngay cả nhà đài cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình, cần điều chỉnh lại sao cho phù hợp, để sân chơi của các em thiếu nhi được đa dạng và phong phú hơn. Song, đối với gameshow thiếu nhi không nên thiết kế format dài hạn vì điều này sẽ gây ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian học tập, nghỉ ngơi gây ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe và sự phát triển của các bé.
Việc tham gia gameshow không thật sự xấu, bởi đây là môi trường tốt để trẻ em thể hiện bản thân, rèn luyện kỹ năng và kết nối với nhiều người bạn mới. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của các bé thiếu nhi là học tập và vui chơi, không phải đi thi để nổi tiếng hay kiếm tiền.
Dễ bị “ảo tưởng” về bản thân Khi tham gia gameshow, các em thiếu nhi được xuất hiện trên truyền hình với những bộ trang phục lộng lẫy, được khán giả yêu thích, được nhận những lời hứa hẹn về một tương lai xán lạn cho con đường hoạt động nghệ thuật sau này và được cả sự tung hô đến từ báo chí. Chỉ với bấy nhiêu đó thôi, không chỉ các em mà ngay cả phụ huynh cũng khó mà tránh khỏi cám dỗ. Không ai khác, chính phụ huynh là người đã khuyến khích và đăng ký cho con em của mình tham gia để có thể nổi tiếng và kiếm được tiền. Trong độ tuổi này, việc nhận được lời khen cũng là một cách giúp các em phát triển nhưng tung hô một cách quá mức sẽ khiến các em dễ bị hoang tưởng về vị trí thật sự của mình. |
Đức Tiến - Thanh Nhung