HoREA: Xây mới chung cư cũ cần sớm sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở 2014

(CL&CS) - Vướng mắc bởi một số quy định của Luật Nhà ở 2014 đã và đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang đô thị.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), từ năm 2015 - 2020, TP.HCM đặt ra kế hoạch cải tạo, xây dựng mới 237 trong tổng số 474 khu nhà chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 nhà chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng), gắn liền với việc giải quyết tái định cư cho người dân có chỗ ở và không gian sống tốt hơn nơi ở cũ.

Trong 5 năm qua, TP.HCM mới chỉ di dời được 6 nhà chung cư, phá dỡ 4 nhà chung cư cấp D và chỉ có 2 nhà chung cư được xây dựng mới. Ảnh: Tấn Lợi

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, TP.HCM mới chỉ di dời được 6 nhà chung cư, phá dỡ 4 nhà chung cư cấp D và chỉ có 2 nhà chung cư được xây dựng mới. Còn trong phạm vi cả nước, chỉ có 1% trong tổng số 2.500 chung cư cũ hư hỏng được cải tạo, xây dựng lại.

Theo HoREA, nguyên nhân của vấn đề này là do một số bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách. Cụ thể, vướng quy định về yêu cầu phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ đối với nhà chung cư không phải là nhà chung cư nguy hiểm (cấp D); cơ chế thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư nên chưa tạo được sự đồng thuận.

Chưa thực hiện được cơ chế “được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án (kể cả phần diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng)” do ngành tài chính chưa đồng thuận.

Chưa có cơ chế xử lý đối với giá trị của phần diện tích xây dựng công trình phụ như hành lang, cầu thang, sàn mái…. Chưa quy định cơ chế ưu đãi về “quy mô dân số” hoặc chưa quy định “rõ” cơ chế ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch xây dựng như “hệ số sử dụng đất”, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Vướng về thủ tục, quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của các chủ sở hữu nhà chung cư hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định “dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT” kể từ ngày 1/1/2021 cũng sẽ làm mất đi một phương thức xã hội hóa đầu tư hiệu quả, để thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong thời gian tới.

Theo HoREA, để hoàn chỉnh thể chế pháp luật nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư kể từ ngày 1/9/2021 trở đi theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì tối thiểu 80% hộ đồng ý mới phá dỡ chung cư cũ để xây mới.

Đồng thời để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, mới đây HoREA trình Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư vàTư pháp đề xuất đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014. 

Quy định hiện nay của Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014: “1. Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở (…) 4. Nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại”.

HoREA đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 theo một trong 2 phương án:

Phương án 1: “Có quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở thương mại”.

Phương án 2: "Có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở thương mại”.

Lý giải về đề xuất của mình, HoREA cho biết, cả 2 phương án này đều phù hợp với các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Đầu tư 2020 và Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020. Nhưng phương án 2 sử dụng khái niệm pháp luật “chuẩn hơn”. Bởi lẽ, Luật Đất đai 2013 sử dụng các khái niệm “đất”, “các loại đất”, “đất nông nghiệp”, “đất phi nông nghiệp”, “đất ở”, “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” nhưng Luật Đất đai 2013 không sử dụng các khái niệm “các loại đất khác” hoặc “đất ở hợp pháp và các loại đất khác” như Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 đang sử dụng, nên Hiệp hội đề nghị chọn phương án 2.

Đối với Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, HoREA đề xuất sửa đổi, bổ sung thành “Nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở thương mại”..

Tiếp theo, HoREA đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 theo hướng quy định việc phá dỡ nhà ở theo nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư tương tự như Khoản 2 Điều 89 Luật Nhà ở 2005 đã quy định: “2. Việc phá dỡ nhà chung cư của nhiều chủ sở hữu theo nhu cầu thì phải được hai phần ba tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý và phải tuân thủ các quy định tại Điều 84 và Điều 85 của Luật này”. 

Tuy nhiên, hiện nay có thể xem xét nâng tỷ lệ chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý lên mức 80% để đảm bảo tỷ lệ đa số đồng ý ở mức cao, để hoàn chỉnh thể chế pháp luật nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư kể từ ngày 1/9/2021 trở đi theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ, như sau: “3. Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này nhưng được tối thiểu 80% các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư”.  

Trước đó, ngày 19/8, HoREA đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các “bất cập, vướng mắc” của một số quy định của Luật Nhà ở 2014 đã và đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang đô thị.

TIN LIÊN QUAN