Trong năm 2023, tình hình chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng suy thoái. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nói chung bị ảnh hưởng nặng nề khi phải chịu những tác động sau đại dịch Covid-19, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lên nguồn tài chính của doanh nghiệp; chi phí sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu thị trường giảm do sức mua giảm;…
Đứng trước những khó khăn trên, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số.
Nhận định rõ những thách thức này, tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với USAID thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tập trung vào xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu về chuyển đối số cho các doanh nghiệp
Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực: Hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn, video đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số; hơn 1.600 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số để có phương hướng triển khai. Đặc biệt, thông qua chương trình đã có hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số.
Theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số dù ít hay nhiều. Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Đông đảo các doanh nghiệp tham gia đào tạo vè chuyển đổi số
Ông Nguyễn Hoàng, đại diện doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Đối với các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì việc chuyển đổi số vẫn còn rất mơ hồ, chưa có lộ trình rõ ràng. Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng đã sử dụng 2 phần mềm về ERP nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý công việc”.
Thông qua các buổi hội thảo, doanh nghiệp được cung cấp các kiến thức nền tảng và chuyên sâu về tư duy lãnh đạo khi chuyển đổi số, tái thiết kế quy trình, chuyển đổi số mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường, chuyển đổi số trong chuỗi giá trị nông nghiệp, logistics. Chuỗi đào tạo đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh và sản xuất.