Đây là lần đầu tiên một dự án phim điện ảnh tổ chức một hội thảo chuyên sâu về cổ phục, mở ra không gian đối thoại đầy ý nghĩa giữa hai thế hệ. Hội thảo không chỉ là nơi trình bày các nghiên cứu mà còn là một hành trình giao thoa đầy cảm xúc. Và còn là cơ hội để đoàn phim có thể lắng nghe những chia sẻ từ các khách mời là các sử gia, học giả hàng đầu, cũng như các chuyên gia về điện ảnh và cả rất nhiều các bạn trẻ nghiên cứu, yêu thích lịch sử và cổ phục góp ý cho tham luận của các nhóm nghiên cứu trẻ đầy nhiệt huyết.
Rất nhiều những khách mời tham dự trong Hội Thảo Khoa Học này là những con người đang ngày đêm khơi dậy tình yêu văn hóa Việt, đặc biệt là phong trào Việt Phục Cổ đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Đây không chỉ là một hội thảo về một bộ phim điện ảnh mà còn là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa hai thế hệ, những người gìn giữ quá khứ và những người mơ ước mang quá khứ ấy đến gần hơn với thế hệ hôm nay.
Nhưng để kể lại câu chuyện hào hùng này một cách sống động, đoàn phim cần sự đồng hành của cả những bộ óc uyên thâm và những trái tim nhiệt huyết – một sự kết hợp tưởng chừng khó khăn nhưng sẽ tạo nên những kỳ tích đầy cảm hứng.
Phần đầu của phiên thảo luận đầy nóng bỏng khi các sử gia lần đầu thấy những sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu trẻ. Họa sĩ Trịnh Quang Vũ cho biết các bạn trẻ mạnh dạn nghiên cứu và phục dựng các bộ trang phục là rất tốt, tuy nhiên lại đang thiếu đi tính sâu sắc, vẫn còn nhiều điểm chưa đúng với các hiện vật và tư liệu lịch sử. PGS.TS Nguyễn Phương Chi cũng khẳng định, bên cạnh tính thẩm mỹ, các trang phục được phục dựng cần đảm bảo đúng tính chân xác của thời đó, từ chất liệu, giày dép hay đến cả những hoa văn trên vải. Sau những góp ý thẳng thắn và nghiêm túc, hiểu rõ những khó khăn của các bạn trẻ khi tiếp cận với các nguồn tư liệu, ghi chép lịch sử, các sử gia cũng cởi mở khẳng định sẽ sẵn lòng chia sẻ một số các tư liệu mình có nếu các bạn trẻ cần nghiên cứu thêm.
Sau phần phát biểu đầy căng thẳng của các giáo sư, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Buổi hội thảo đã cho thấy một khoảng cách - một khoảng cách đương nhiên sẽ có - giữa những con người sách vở và những người hành động. Và cái khoảng cách ấy chúng ta phải lấp đầy nó. Việc các bạn trẻ chưa tiếp cận được nhiều các nguồn tư liệu, đó là có thật.
Nhưng mà chúng ta cũng không thể ngăn cản sự sáng tạo của các bạn trẻ. Mà hãy tạo ra một môi trường sinh thái để cho sự sáng tạo phát triển. Cái sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh là cái sáng tạo cho tương lai mà quá khứ rất cần thiết. Vì thế hôm nay có Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh ở đây, có lãnh đạo tỉnh Ninh Bình ở đây, tôi nghĩ rằng chúng ta nên bắt đầu có 1 bước đi quy củ hơn, kế thừa nhau hơn, chứ không phải mỗi bộ phim là một sáng tạo riêng, một tài sản riêng mà không có kế thừa. Vì thế tôi rất cám ơn những phát biểu thẳng thắn của các nhà sử học, các nghiên cứu, các bạn trẻ để chúng ta cải thiện được cái môi trường, cái hệ sinh thái phát triển cho phim cổ trang của Việt Nam.”