Theo WHO, tỷ lệ mắc COVID-19 cũng giảm ở 5/6 khu vực trên thế giới, trong đó Đông Nam Á giảm 27% và châu Âu giảm 13%. Trong khi đó, tại châu Phi, số ca mắc mới và tử vong tăng lần lượt 44% và 20%. Số ca tử vong ở Đông Nam Á cũng tăng 12%, trong khi châu Âu giảm 17%, khu vực Bắc và Nam Mỹ giảm 7%.
Ấn Độ đã cho phép tất cả các cửa hàng và nhà hàng được phép mở cửa nhưng chỉ hoạt động với 50% công suất. Tại châu Âu, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ. Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm được thực hiện nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Ba Lan cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 4. Bồ Đào Nha bắt đầu cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của châu Âu, cho phép người sở hữu được đi lại tự do giữa các nước thành viên trong EU.
Tại châu Mỹ, Cuba thông báo đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020, nay đã có gần 2 triệu người (11 triệu dân) đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Hiện New York và California (Mỹ) đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch bệnh và giới chuyên gia quan ngại biến thể Delta (B.1.617.2) có thể trở thành biến thể chiếm ưu thế tại Mỹ.
Tại Đông Nam Á, ổ dịch nghiệm trọng nhất là Indonesia, nay đã tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây. Philippines có số ca tử vong đang giảm dần. Malaysia hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt...
Dân Ba Lan xếp hàng chờ đến lượt tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Zakopane (Ảnh: Reuters)
Gần 20% số bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng đã phải trải qua những vấn đề về sức khỏe của một loại bệnh mang tên "COVID kéo dài" (Long COVID), ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mắc cả về thể chất lẫn tinh thần. "COVID kéo dài", còn được gọi là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, chỉ các triệu chứng của bệnh tồn tại hơn 4 tuần kể từ khi được phát hiện.
Hầu hết các triệu chứng của "COVID kéo dài" xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, song một số bệnh như viêm tim lại phổ biến ở nam giới, chiếm 52% các trường hợp so với 48% ở nữ giới. Trong số 4 tình trạng sức khỏe tâm thần được đánh giá sau 30 ngày, lo lắng là phổ biến nhất, tiếp theo là trầm cảm, rối loạn sự thích ứng và rối loạn các cơ.
Theo Báo cáo chuyên đề về "COVID kéo dài" của WHO, khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược.