Hoàn thiện thể chế về giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam

Sáng 25.10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội – 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện thể chế về giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam”, phối hợp tổ chức hội thảo “Thể chế giám sát thị trưởng tài chính ở Việt Nam hiện nay: Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường nêu rõ, hệ thống tài chính có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng được mở rộng và phát triển với nhiều tiện ích, đáp ứng yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc xuất hiện và gia tăng các rủi ro.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Trang

"Các định chế tài chính sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Điều này, đòi hỏi hệ thống tài chính phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý để tránh các nguy cơ đổ vỡ, đảm bảo sự an toàn lành mạnh cho hệ thống và từng định chế tài chính". Nhấn mạnh điều này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng chỉ rõ, giám sát thị trường tài chính nhằm ba mục tiêu: bảo đảm sự ổn định, vận hành thông suốt của hệ thống tài chính và nền kinh tế; bảo đảm sự lành mạnh và an toàn của các thể chế tài chính; bảo đảm đạo đức kinh doanh thị trường, tính liêm chính của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Trang

Trên cơ sở 3 mục tiêu đó, thế giới đã tồn tại 4 mô hình giám sát thị trường tài chính gồm: mô hình hệ thống giám sát theo thể chế; mô hình hệ thống giám sát theo chức năng; mô hình giám sát lưỡng đỉnh; mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Việc lựa chọn mô hình giám sát phụ thuộc vào đặc thù, mức độ phát triển của thị trường tài chính, cấu trúc thị trường tài chính hiện có và tổng thể lợi ích quốc gia. Trên thế giới, xu hướng những năm gần đây ngày càng hình thành nhiều mô hình giám sát tài chính hợp nhất; mô hình này cũng đang được thúc đẩy, mở rộng ra nhiều quốc gia.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, nhờ có sự phát triển tương đối đầy đủ của hệ thống pháp luật về giám sát và quản lý thị trường tài chính, các thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm ngày càng được mở rộng. Chất lượng dịch vụ, số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh hay số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường tăng nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, sự phát triển quá nhanh trong khi dòng vốn được chuyển giữa các thị trường, rủi ro tiềm ẩn sẽ là rất lớn.

Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Trang

Để quản lý và giám sát thị trường tài chính về mặt pháp luật, các đại biểu kiến nghị, đối với thị trường tiền tệ, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng, bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật của các ngành khác, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đối với thị trường chứng khoán, cần tăng cường quản lý, giám sát, đặc biệt là khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần thay đổi phù hợp với bối cảnh hiện tại; Ủy ban chứng khoán Nhà nước nên nghiên cứu và đề xuất quy định cụ thể và dành riêng cho hoạt động giám sát công ty chứng khoán. Đối với thị trường bảo hiểm, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Bộ Tài chính sớm ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong khai thác, mở rộng thị trường, chủ động và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.