Hiểu thế nào về liệu pháp miễn dịch?

(CL&CS) - Liệu pháp miễn dịch là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư.

Hỏi: Liệu pháp miễn dịch cụ thể là gì? Cơ chế hoạt động như thế, và có thật sự hiệu quả với những bệnh nhân giai đoạn muộn hay không? Chị Mai – Hòa Bình

TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K, trả lời:

Liệu pháp miễn dịch là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư.

Liệu pháp miễn dịch giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tấn công các tế bào ung thư. Hiện nay có 2 nhóm điều trị miễn dịch. Nhóm thứ nhất sử dụng các thuốc đích để kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể có khả năng chống lại các khối u đó là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, ức chế hoạt động của các thụ thể PDL1/PD1 hoặc CTLA4 như Pembrolizumab, Durvalumab, Atezolizumab, Tremelimumab.

Hướng thứ hai là lấy các tế bào có chức năng miễn dịch ra khỏi cơ thể bệnh nhân, gắn các thụ thể có khả năng nhận biết tế bào ung thư và nhân lên, hay nói cách khác là “huấn luyện” các tế bào miễn dịch có khả năng “tìm và diệt” tế bào ung thư. Sau đó đưa các tế bào miễn dịch này trở lại cơ thể bệnh nhân. Điển hình của nhóm này là liệu pháp tế bào miễn dịch CAR-T được chỉ định trong u lympho và bệnh bạch cầu. Điều trị miễn dịch đã cải thiện đáng kể thời gian sống thêm toàn bộ cũng như trì hoãn thời gian bệnh tiến triển nhưng không chữa khỏi triệt để được ung thư giai đoạn muộn.

Hỏi: Chi phí điều trị với phương pháp này có phải là trở ngại với nhiều bệnh nhân hay không, thưa bác sỹ?

TS.BS Tuấn Anh trả lời: Giá thành và chi phí của điều trị miễn dịch là khá cao so với thu nhập nhiều người bệnh. Để nhiều bệnh nhân được tiếp cận các hãng dược cần giảm giá thành, các cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách bảo hiểm y tế phù hợp cũng như kêu gọi sự chung tay của xã hội, cộng đồng xây dựng các chương trình hỗ trợ bệnh nhân.

TIN LIÊN QUAN