Hiệp định EVFTA tác động như nào đến Kinh tế Việt Nam

(CL&CS) - Ngày 04/8, tại TP Hà Nội, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợi với Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư Châu Âu tổ chức hội thảo: Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA có những tác động kinh tế xã hội và những vấn đề đạt ra đối với Việt Nam.

Theo nghiên cứu đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi EVFTA có hiệu lực, hiệp định này sẽ có tác động tích cực ở nhiều khía cạnh đối với kinh tế Việt Nam và quan hệ kinh tế Việt Nam - EU.

Quang cảnh hội thảo.

Trên thực tế, sau hơn một năm thực hiện EVFTA, tính đến hết quý I/2022, thương mại hai chiều và đầu tư của EU vào Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng có phần chậm lại so với giai đoạn trước, chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và EU.

Mặc dù các nội dung của EVFTA bao gồm: đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, mua sắm công, minh bạch, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các nội dung khác đã góp phần quan trọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU, đồng thời cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh ở Việt Nam nhằm tăng cường thu hút đầu tư của EU vào Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và việc vận chuyển khó khăn thực sự đã trở thành lực cản lớn đối với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước EU.

Thương mại hai chiều và đầu tư của EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể trong bối cảnh bình thường mới. Triển vọng này sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam, tăng thu ngân sách.

Theo TS.Hoàng Xuân Trung - Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết: Hà Lan là nước đứng đầu về nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, chiếm 17% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2019. Tiếp đến là Đức, chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Anh cũng là nước mà tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 14%. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp là 9%, Italia là 8%, Áo là 8%.

Kết quả cho thấy Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước: Đức, Ai-len, Italia, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha. Cụ thể, tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Đức chiếm 25% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ EU năm 2019, từ Ai-len là 17%, từ Italia là 13%, từ Pháp là 11%, từ Anh là 6%.

Tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha đều chiếm khoảng 4%. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Ai-len chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng xuất khẩu lại chiếm tỷ trọng lớn. Điều này là do Ai-len có chính sách ưu đãi thuế, chỉ 12,5% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó mức thuế này là 35% tại Mỹ. Các doanh nghiệp có doanh thu liên quan tới bằng sáng chế hoặc sở hữu trí tuệ thì mức thuế phải nộp chỉ còn 6,25%. Do mức thuế doanh nghiệp thấp nên Ai-len đã thu hút nhiều doanh nghiệp ở các nước trên thế giới đến đầu tư.

EVFTA là một bước đi nhằm khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại quốc tế, hiệp định này không chỉ thể hiện nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ với EU mà còn thể hiện nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán các FTA của Việt Nam với các đối tác kinh tế quan trọng trên thế giới.

Hiệp định đã góp phần tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU không chỉ về chiều rộng mà cả về chiều sâu, phù hợp với chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Cơ cấu xuất nhập khẩu, các quốc gia thành viên EU và Việt Nam có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu về cơ bản là mang tính bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp, trong đó mỗi quốc gia lại có những thế mạnh về hàng hóa xuất khẩu.

Các quốc gia EU có lợi thế về xuất khẩu máy móc, thiết bị, dược phẩm, sữa, thịt,… trong khi đó Việt Nam lại có ưu thế về xuất khẩu các sản phẩm dệt may, giày dép, các mặt hàng nông sản nhiệt đới, thủy hải sản, công cụ và thiết bị cơ khí.

Về dịch vụ, EU xuất khẩu các dịch vụ tài chính, logistics, trong khi đó Việt Nam có thế mạnh về cung ứng các dịch vụ đóng tàu, vận tải nội địa. Đặc biệt, Việt Nam rất cần nhập khẩu các công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, máy móc thiết bị hiện đại từ EU và các nước phát triển nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng công nghiệp.

Có thể thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU từ năm 2017 có xu hướng chậm lại. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU không tăng so với năm 2019 và nhập khẩu của Việt Nam từ EU giảm 2,3 tỷ Euro (tương đương 20,7%).

Tuy nhiên, năm 2021, với việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống dịch và dưới tác động của EVFTA, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU có xu hướng tăng trở lại, từ 34,5 tỷ Euro năm 2020 lên 38,5 tỷ Euro năm 2021 (tăng 4 tỷ Euro hay 11,6%), đồng thời nhập khẩu cũng tăng nhưng với giá trị ít hơn (1,8 tỷ Euro) khiến thặng dư thương mại tăng từ 25,7 tỷ Euro năm 2020 lên 27,9 tỷ Euro năm 2021.

Nhìn chung, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia EU. Việc tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại góp phần giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt được tiêu chuẩn cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh để mất lợi thế ở ngay cả các lĩnh vực có tính cạnh tranh của Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN